Dòng ý kiến khác nêu giả định, và thậm chí là kết luận thiếu nữ người Anh đã “gài bẫy” hai nghệ sĩ. Họ cho rằng, đó chỉ là hành động “bóc bánh trả tiền”, nhưng khi không đạt được mục đích, cô gái người Anh đã tố cáo bị hai người đàn ông cưỡng hiếp.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho hay: “Gài/bị gài bẫy” - đó là cụm từ tôi đọc thấy khá nhiều trong những lời bình luận về vụ hai nghệ sĩ. Nghe ra tưởng như một lời “bào chữa”, nhưng thực ra lại là một sự đổ tội. Sao cứ đứng về phía đàn ông mà đổ tội cho phụ nữ, và sao cứ đứng về phía mình mà đổ tội cho phía người?”.
Ông Nguyên nhận định, kiểu đổ tội như vậy là một lỗi văn hóa của người Việt: “Bảo cô gái Anh “gài bẫy” hai nghệ sĩ Việt Nam khi không có bằng chứng, thì đó là một sự vu cáo xúc phạm. Cô gái Anh mà đọc được những bình luận “gài bẫy” như thế có thể kiện người Việt không chừng”.
Chúng ta đã để lại quá nhiều dấu ấn về hình ảnh người Việt xấu xí ở nước ngoài. Nhưng điều lạ là ngay khi ở trong nước, chúng ta cũng không tự bỏ được những thói quen tật xấu trong lời ăn tiếng nói.
Bình phẩm, xét đoán, kết tội người khác – đang là cách ứng xử phản văn hóa của một số người Việt. Có lẽ vì thế mà người xưa để lại lời răn: “Chân mình còn lấm mê mê/ Lại đi cầm đuốc mà rê chân người”. Từ đó, tiền nhân cũng dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”.
Mở đầu vấn đề ra sao, gói lại câu chuyện thế nào chưa hẳn đã phản ánh hết nền văn hóa của một dân tộc. Nhưng trước tiên, lời ăn tiếng nói của mỗi người sẽ phản ánh bản chất văn hóa dù có hay không?