Theo GS. Trình, nếu hợp lực giữa các trường thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2030 đào tạo 50.000 người có trình độ đại học trở lên thuộc lĩnh vực này.
Đối với Đại học Quốc gia TPHCM, theo PGS.TS Trần Mạnh Hà, Phó Trưởng Ban đào tạo, từ nay đến năm 2030, cam kết đào tạo khoảng 1.800 cử nhân/kỹ sư thuộc và 500 thạc sĩ thuộc lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.
Trước đây, Đại học Quốc gia TPHCM đã có đào tạo chuyên ngành gần với quy mô 200 kỹ sư và 50 thạc sĩ/năm. Hiện, cơ sở đào tạo này đóng góp trên 50% nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn cho TPHCM.
Dự kiến, một số trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM như: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin có thể tuyển sinh trong năm nay, bao gồm cả trình độ đại học và thạc sĩ.
PGS.TS. Trần Mạnh Hà cho biết, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ nghiên cứu đầu tư thêm 2 phòng thí nghiệm và xây dựng cơ chế cho các trường ở TPHCM cùng sử dụng chung. Ngoài ra, các trường thành viên cũng chủ động hợp tác với các nước nhằm đẩy mạnh đào tạo lĩnh vực này.
Theo PGS.TS Trần Mạnh Hà, Đại học Quốc gia TPHCM đã có kế hoạch tuyển dụng và bồi dưỡng thêm cho các giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo. Tuy nhiên, việc thu hút sinh viên vào ngành thiết kế vi mạch là bài toán đặt ra, vì đào tạo ngành này đặc thù và khó. Bên cạnh đó, xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu cũng là vấn đề lớn và khó khăn.
Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC đề xuất, ngoài các phòng thí nghiệm của các cơ sở đào tạo, mỗi khu vực nên xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung, đủ lớn và có quy chế khai thác, sử dụng. Trong đó nhấn mạnh đến mục đích đào tạo và nghiên cứu.
Bên cạnh đó, có thể thành lập trung tâm điều phối về việc đặt hàng đào tạo nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình cũng đề xuất cơ chế đặc thù trong tuyển dụng và sử dụng giảng viên thuộc lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn, đồng thời có chính sách thu hút sinh viên theo học lĩnh vực này.
Đại diện các trường đại học cũng đề xuất cần có quy chuẩn trong đào tạo ngành vi mạch, bán dẫn. Cũng cần có cơ chế, chính sách tương xứng khi mời giảng viên, chuyên gia quốc tế tham gia đào tạo.Bộ GD&ĐT cũng nên đầu tư vào một số trường đại học trọng điểm, đóng vai trò dẫn dắt trong đào tạo ngành này.