Theo quan chức cấp cao Hungary trên, luật mới của Kiev đã khiến cuộc sống của người Hungary ở Ukraine "không thể chịu nổi". Ông đề cập đến luật được ban hành gần đây ở Ukraine, trong đó bắt buộc các nhóm thiểu số, không chỉ người Hungary, phải đảm bảo ít nhất 70% chương trình giáo dục bằng tiếng Ukraine. Vì vậy, Hungary lo ngại trẻ em lớn lên trong gia đình nói tiếng Hungary ở Ukraine sẽ gặp khó khăn trong quá trình học tập.
Ông Balazs Orban nêu rõ: “Chúng tôi không thể chấp nhận được điều này. Lập trường của Hungary hoàn toàn rõ ràng: chừng nào luật này còn tồn tại thì không thể có cuộc thảo luận nào với phía Ukraine về việc họ hội nhập vào EU".
Bình luận về cảnh báo trên, Olha Stefanishyna, Phó Thủ tướng phụ trách hội nhập châu Âu và châu Âu-Đại Tây Dương của Ukraine, cho rằng những tuyên bố chính trị của Budapest về việc ngăn chặn Ukraine gia nhập EU sẽ không cản trở tiến trình thực sự do vấn đề giáo dục ngôn ngữ của Ukraine đối với những người thiểu số Hungary.
Phó Thủ tướng Stefanishyna lưu ý rằng vào tháng 9, cuộc họp của nhóm công tác giáo dục Ukraine - Hungary, trong đó vấn đề giáo dục được thảo luận chi tiết, đã được tổ chức lần đầu tiên sau một thời gian dài. Vài tháng trước, Quốc hội Ukraine đã kéo dài thời gian chuyển tiếp để thực hiện mô hình giáo dục mới do Ủy ban Venice (cơ quan tư vấn của Hội đồng châu Âu) khuyến nghị.
"Chúng tôi đã cử một phái đoàn đặc biệt đến Budapest, nơi chúng tôi trình bày tầm nhìn của mình với các đồng nghiệp Hungary. Sau kết quả cuộc họp, phía Ukraine đã hình thành một kế hoạch hành động. Một dự luật đã được chuẩn bị và trình lên Quốc hội Ukraine. Ủy ban châu Âu cũng nhận được tài liệu tương ứng và nghiên cứu chúng", bà Stefanishyna nói.
Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba cho rằng không có gì bí mật khi vấn đề dân tộc thiểu số đang được Hungary đưa ra, khi mọi quốc gia thành viên EU sẽ tìm cách lợi dụng tình hình EU mở rộng hơn nữa để đạt được lợi ích riêng bằng cách này hay cách khác.
Nhà ngoại giao hàng đầu của Ukraine cũng kêu gọi phía Hungary giải quyết những vấn đề khi phát sinh, đồng thời khẳng định rằng quyết định của Ủy ban châu Âu liên quan đến các cuộc đàm phán về việc Ukraine gia nhập EU sẽ được đưa ra vào tháng 12 tới.
Trước đó, Ủy ban châu Âu cho biết đến nay, 4 trong số 7 tiêu chí đi kèm với việc Ukraine đạt được tư cách ứng cử viên trở thành thành viên EU đã được đáp ứng đầy đủ. Ba tiêu chí còn lại sẽ được kèm theo các khuyến nghị từ Ủy ban châu Âu để thực hiện bổ sung, trong đó vấn đề cải cách pháp lý liên quan đến các dân tộc thiểu số là một trong những tiêu chí chưa được thực hiện đầy đủ.
Theo Bloomberg, rất có thể Ủy ban châu Âu sẽ khuyến nghị các nước thành viên EU bắt đầu đàm phán chính thức về việc Ukraine gia nhập EU sau khi Kiev đáp ứng đủ 7 tiêu chí.