Hướng đến chất lượng GDMN qua Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi

Hà An | 27/04/2023, 11:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đến nay, sau 10 lần hội thảo và chỉnh sửa, bước đầu thử nghiệm Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi đã khẳng định kết quả đánh giá khả quan.

TS Nguyễn Thị Thanh Huyền, Vụ GDMN, Bộ GD&ĐT cho rằng: Nghiên cứu xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi là sự tất yếu. Bởi Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được xây dựng với hy vọng có thể giúp các nhà giáo dục hiểu được sự phát triển của trẻ em và chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em lứa tuổi mầm non.

Hướng đến chất lượng GDMN qua Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi ảnh 3

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được thực hiện trong một thời gian đảm bảo tính khoa học.

Xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi là một quá trình. Chúng tôi đã tiến hành tổ chức thực hiện trong một thời gian đảm bảo tính khoa học và thực tiễn như một công trình nghiên cứu, đó là:

Nghiên cứu cơ sở lý luận về học tập và sự phát triển của trẻ em mầm non; Nguyên tắc xây dựng chuẩn; nghiên cứu và phân tích 38 Bộ chuẩn của các nước trong khu vực và trên thế giới…

Phân tích từng chuẩn và chỉ số của Bộ chuẩn phát triển trẻ em hiện hành, đối chiếu so sánh với các Bộ chuẩn quốc tế để chắt lọc ra những chuẩn, tiêu chí có thể sử dụng để đảm bảo tính phù hợp với bối cảnh của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Phân tích các kết quả khảo sát và nghiên cứu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, kết hợp với Trung tâm nghiên cứu mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam.

"Xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được thực hiện qua rất nhiều bản thảo, nhận sự góp ý chia sẻ của các chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục nói chung và giáo dục mầm non nói riêng. Có thể nhận thấy cách làm việc nghiêm túc qua 10 bản sơ thảo với 10 cuộc hội thảo, tọa đàm". - TS. Nguyễn Thị Thanh Huyền, chia sẻ.

Đồng thời với việc xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, nhóm tác giả còn thiết kế bộ công cụ đo và thực hiện thử nghiệm bộ công cụ. Sau tất cả những công việc đã hoàn tất, Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi được tiến hành thử nghiệm tại các cơ sở GDMN (công lập và ngoài công lập) ở các vùng miền khác nhau đảm bảo đối tượng thành phố và nông thôn; trẻ trai và trẻ gái.

Hướng đến chất lượng GDMN qua Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi ảnh 4

Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi đóng vai trò quan trọng trong quá trình hợp tác của cha mẹ và cộng đồng.

Cấu trúc của Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, gồm có 22 chuẩn với 68 tiêu chí, trong đó lấy trục chính là phát triển tình cảm – quan hệ xã hội. Các chuẩn được xây dựng theo các năng lực cần thiết ở từng mặt phát triển của trẻ em như: phát triển thể chất và vận động; phát triển tình cảm và quan hệ xã hội; phát triển ngôn ngữ và giao tiếp; phát triển nhận thức; phát triển thẩm mỹ; và tiếp cận với việc học.

Các chuẩn, chỉ số thể hiện năng lực và giá trị phù hợp với sự phát triển của trẻ em 5 tuổi. Đồng thời Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi lần này cũng đã cập nhật phù hợp với xu thế khoa học công nghệ phát triển, như có chuẩn và chỉ số tiếp cận với công nghệ (trong lĩnh vực nhận thức), hoặc bổ sung tiêu chí về nhận biết âm vị thuộc phần làm quen với đọc viết (trong lĩnh vực phát triển ngôn ngữ và giao tiếp).

Tiếp cận với việc học được nhìn nhận là một phần mới, song lại là một năng lực không thể thiếu được ở người học nhằm đảm bảo cho việc học thành công ở tiểu học và học tập lâu dài. Cũng cần phải thống nhất một quan điểm là chuẩn để đánh giá năng lực, khác với các mặt giáo dục trong Chương trình GDMN.

Các phẩm chất và năng lực tiếp cận với việc học được hình thành và phát triển qua các hoạt động trong ngày của trẻ em (bao gồm ở trường và ở gia đình). Do đó việc truyền thông những giá trị và năng lực trong Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi này đóng vai trò quan trọng trong quá trình hợp tác của cha mẹ và cộng đồng để đạt được mục tiêu giáo dục - TS Hồ Lam Hồng.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/huong-den-chat-luong-gdmn-qua-bo-chuan-phat-trien-tre-em-5-tuoi-post636329.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/huong-den-chat-luong-gdmn-qua-bo-chuan-phat-trien-tre-em-5-tuoi-post636329.html
Bài liên quan
Đổi mới chất lượng giáo dục mầm non vùng khó Gia Lai
Giáo dục mầm non đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, là nền tảng cho sự phát triển toàn diện của trẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng đến chất lượng GDMN qua Bộ chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi