Ý kiến không đồng tình thì cho rằng, với quan điểm giáo dục toàn diện, không phân biệt môn chính, môn phụ, tránh dẫn tới học lệch; các môn học được tính điểm như nhau, không môn nào nhân hệ số khi xếp loại học sinh cuối kỳ, cuối năm học; vị thế môn Ngoại ngữ nâng lên theo Thông tư số 26/2020/TT-BGDĐT ngày 26/8/2020 về đánh giá, xếp loại học sinh THCS, THPT; ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng dạy và học Ngoại ngữ - phương tiện quan trọng hình thành kỹ năng hội nhập với các nước trên thế giới cho người học… Việc nhân điểm hệ số 2 chỉ nên duy trì ở khối trường THPT chuyên, các môn chuyên.
Tuy nhiên, với vấn đề này, khó trả lời đúng, sai rõ ràng mà nên là sự phù hợp. Trên thực tế, các địa phương vùng sâu, xa, miền núi, điều kiện kinh tế khó khăn, dạy học ngoại ngữ còn nhiều hạn chế; có sự chênh lệch rõ ràng về điều kiện dạy học ngoại ngữ ở các địa bàn trong tỉnh.
Trong bối cảnh này, việc nhân hệ số 2 với môn Toán, Ngữ văn nằm trong sự tính toán, nhằm giảm trọng số với môn Ngoại ngữ, giảm áp lực, công bằng hơn với học sinh các trường mà việc dạy và học ngoại ngữ chưa là thế mạnh. Tuy nhiên, ở những vùng thuận lợi, nơi đang nỗ lực thúc đẩy dạy học ngoại ngữ, có lẽ phù hợp hơn nếu tiếng Anh được xếp ngang hàng với Toán và Ngữ văn trong tính điểm xét tuyển vào lớp 10.
Trên thực tế, một số địa phương trước đây đã thực hiện cách tính nhân hệ số 2 với Toán, Ngữ văn, nhưng sau đó thay đổi (như TPHCM, Nghệ An…). Do đó, địa phương cần cân nhắc, nghiên cứu, tính toán thật kỹ quy định để phù hợp với thực tiễn. Cùng đó là việc tổ chức xét tuyển/ thi tuyển vào THPT khoa học, công bằng, minh bạch, cho kết quả tin cậy; đáp ứng yêu cầu đầu vào, năng lực, kiến thức, kỹ năng của trường THPT.