Điều kiện đi lại khó khăn, món quà ý nghĩa nhất chính là tinh thần và tình cảm. Học sinh vẽ thiệp chúc mừng thầy cô hoặc hái hoa trên đảo tặng. Còn thầy cô cũng đáp lại bằng việc tổ chức một số hoạt động thi đua, vui chơi cho trò. Về vật chất, quý nhất chính là những con cá, mớ khô mà gia đình các em khai thác được ngoài biển đem tặng thầy cô.
Chia sẻ về hoạt động chuẩn bị ngày Nhà giáo Việt Nam đang tới gần, thầy Danh Văn cho biết: “Năm nay tôi dạy lớp 2, có 15 học sinh, trong đó 4 em hoàn cảnh khó khăn. Để tạo không khí và giúp học sinh biết ý nghĩa ngày này, tôi tổ chức, phát động một số hoạt động nhỏ như làm bưu thiếp chào mừng; tri ân thầy cô; thi viết cánh thư bay (viết lời chúc vào máy bay bằng giấy để phi lên và bay xa nhất); thi rung chuông vàng; tháng thi đua điểm tốt “T” (nhận xét tốt, trả lời tốt, việc làm tốt...). Học sinh thích nhất là thi viết Cánh thư bay, nên đã viết nhiều lời chúc tuy đơn sơ, mộc mạc nhưng thầy cô rất vui”.
Ngày 20/11 hằng năm rơi vào mùa biển động, sóng lớn, thầy Danh Văn lo lắng khi chia sẻ: Công tác giảng dạy nơi đây còn nhiều khó khăn bởi thời tiết, việc sinh hoạt, đi lại giữa các điểm trường cũng rất khó, nhất là lúc biển động phương tiện di chuyển chỉ là chiếc thuyền thô sơ... Nhưng vì sự học của học trò, thương những ánh mắt ngây ngô của các em đang cần sự dạy bảo nên bản thân gắn bó với đảo hơn 10 năm qua. “Với tôi được lên lớp là niềm vui, hạnh phúc, góp phần công sức nhỏ mang con chữ đến với học trò xã đảo”, nhà giáo tâm sự.
Các sản phẩm được trưng bày tại Hội thi đồ dùng, đồ chơi của Trường Mầm non xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên). Ảnh: Hà Thuận |
Giữa sân trường Trường Mầm non xã Mường Lạn, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) trưng bày nhiều đồ dùng, đồ chơi tự tạo của giáo viên. Chia sẻ của cô Hiệu trưởng Lò Thị Vang: “Chúng tôi tổ chức chấm giải Hội thi đồ dùng, đồ chơi năm học 2023 – 2024. Đây là hoạt động thiết thực chào mừng kỷ niệm 41 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục qua phong trào tự tạo đồ dùng, đồ chơi trong nhà trường”. Tham gia Hội thi, giáo viên đều tâm huyết, sáng tạo để phục vụ cho các hoạt động học tập và vui chơi của trẻ.
Cô Vang cũng bày tỏ: Nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm, đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi để nâng cao chất lượng dạy học; Cùng đó là chế độ, chính sách về tiền lương phù hợp để giáo viên yên tâm công tác, gắn bó với nghề. Đặc biệt, nhà trường mong mỏi được bổ sung thêm biên chế để đảm bảo giáo viên theo định mức.
Những ngày này, thầy cô các trường trên địa bàn xã Ka Lăng, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) tích cực tập luyện các tiết mục văn nghệ cho buổi mít tinh chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam chung của 3 cấp học. Trường Mầm non xã Mường So ngoài tổ chức toạ đàm, giao lưu văn nghệ còn thi đấu bóng chuyền giữa các tổ để nâng cao tinh thần rèn luyện thể dục, thể thao cho giáo viên.
Cô Bùi Thị Hương - Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Ka Lăng cho hay: “Ngày 16/11, nhà trường kết hợp với Trường Tiểu học và THCS tổ chức mít tinh chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. Cả 3 đơn vị đã cử giáo viên luyện tập các tiết mục văn nghệ trình diễn trong lễ mít tinh. Thầy cô rất hồ hởi đón chào ngày “Tết” của mình”.
Trường Mầm non xã Ka Lăng hiện có 8 điểm trường/190 trẻ. Điểm trường xa nhất ở cách trường 18km. Công tác nhiều năm tại địa bàn biên giới xã Ka Lăng, cô Hương bày tỏ mong muốn tiếp tục được Nhà nước quan tâm về chế độ chính sách đối với giáo viên vùng cao.
“Tôi mong sẽ có nhiều chính sách phù hợp với sự phát triển của giáo dục vùng cao để kịp thời động viên thầy cô yên tâm công tác. Đặc biệt, cần sớm có chế độ hỗ trợ giáo viên mầm non đang làm quá số giờ quy định…”, cô Bùi Thị Hương bày tỏ.
“Chúng tôi mong giảm bớt các hội thi mang tính hình thức để giáo viên, nhà trường có thời gian tập trung vào công tác chuyên môn, tổ chức hoạt động chất lượng cho học sinh, phát triển giáo dục theo chiều sâu.
Mặt khác, các cấp, ngành có liên quan cần xem xét và tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ giáo viên, nhân viên hợp đồng trong trường học, đặc biệt với trường vùng khó về chế độ, chính sách, tiền lương để đội ngũ gắn bó với nghề...”, cô Nguyễn Quốc Thư Trâm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Ngọc Lan (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) bày tỏ.