Kế hoạch tuyển sinh vào lớp 10 hàng năm của các địa phương do Sở GD&ĐT đề xuất, UBND tỉnh, thành quyết định. Phương thức, số lượng môn thi vào lớp 10 ở từng địa phương thường được giữ ổn định trong thời gian dài.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch thi vào lớp 10 của một số địa phương bị xáo trộn. Có địa phương vốn nhiều năm tổ chức thi ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ thì năm ngoái phải chuyển sang xét tuyển. Một số địa phương giảm môn thi để giảm áp lực cho học sinh…
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, chỉ tiêu tuyển sinh năm học 2022 - 2023 là tuyển 70% số học sinh tốt nghiệp THCS trong tỉnh vào học lớp 10 các trường THPT. Đối với những học sinh không trúng tuyển vào lớp 10, sẽ tham gia học nghề hoặc học chương trình GDTX tại các Trung tâm GDTX, tại trường THPT có tổ chức dạy học theo chương trình GDTX.
Đối với lớp 10, tỉnh Đồng Tháp tuyển sinh bằng phương thức xét cho tất cả các trường THPT, THCS - THPT trong tỉnh, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục thể thao. Xét tuyển dựa vào kết quả rèn luyện, học tập 4 năm học bậc THCS của học sinh đủ điều kiện tuyển sinh vào lớp 10.
UBND tỉnh Vĩnh Long đã có quyết định phê duyệt kế hoạch tổ chức tuyển sinh lớp 10 THPT, lớp 10 THPT chuyên, lớp 10 Dân tộc nội trú năm học 2022 - 2023.
Theo đó, tùy điều kiện thực tế, Sở GD&ĐT thực hiện phương án tuyển sinh bằng hình thức xét tuyển hoặc thi tuyển hoặc kết hợp xét tuyển với thi tuyển. Học sinh sẽ thi bắt buộc 3 bài thi: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh. Đối với lớp 10 THPT chuyên thì học sinh phải thi thêm bài chuyên. Kỳ thi dự kiến diễn ra ngày 4 - 5/6/2022.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Giám đốc Sở GD&ĐT tạo theo dõi sát tình hình dịch Covid-19 tại tỉnh để tổ chức kỳ thi tuyển sinh đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch theo quy định…
Theo chia sẻ của các thầy cô giáo, công tác phân luồng học sinh sau THCS vẫn còn những khó khăn, trong đó do thiếu sự hợp tác từ phụ huynh. Bản thân học sinh mong muốn học nghề nhưng lại bị gia đình ép đi thi tuyển sinh vào lớp 10. Gia đình kỳ vọng vào các em phải bằng mọi giá vào học THPT…
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn chưa có sức hút học sinh vào học do cơ sở vật chất hạn chế, đặc biệt là một số đơn vị ở khu vực vùng ven; chương trình đào tạo thiếu đổi mới, chưa đáp ứng nhu cầu thiết yếu của xã hội và thị trường lao động, đào tạo chưa gắn với các cơ sở sản xuất tạo việc làm sau khi tốt nghiệp; chưa có cơ chế ưu đãi cho người lao động sau khi học trung cấp.