Để giảm bớt áp lực cho học sinh lớp 9 vào cuối cấp, nhiều trường THCS trên địa bàn Hà Nội đã đẩy mạnh công tác tư vấn hướng nghiệp cho học sinh ngay từ đầu cấp, sau khi các em nhập trường và ổn định việc học tập. Nhờ thế học trò dần định hình được nghề nghiệp tương lai cho mình, hiểu phần nào đó đặc thù mỗi nghề và từ đó xây dựng cho bản thân kế hoạch học tập sao cho phù hợp nhằm theo đuổi nghề nghiệp mình mong muốn.
Theo chia sẻ của cô Phan Thị Thục Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội), để hướng nghiệp hiệu quả cho học sinh, tháng nào cũng vậy, chúng tôi đều sắp xếp thời khoá biểu dạy 1 đến 2 tiết hướng nghiệp cho học sinh với nhiều chủ đề khác nhau. Cuối học kỳ II, nhà trường phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, trung tâm dạy nghề, trường nghề, trung tâm GDNN-GDTX để giới thiệu về nghề nghiệp cho học trò.
Bên cạnh đó, chúng tôi cho học sinh đến tận các cơ sở thực tế để trải nghiệm, tìm hiểu thực tế nhằm giúp các em hình dung được tính chất công việc mà những nghề nghiệp các học sinh đang được hướng đến”.
Cô Thục Hạnh cũng cho biết thêm, đối với công tác hướng nghiệp, nhà trường luôn ưu tiên dựa trên sở thích, năng lực của học sinh và phối hợp với phụ huynh để định hướng cho các em. Các chủ đề hướng nghiệp chúng tôi cũng hướng đến sao cho sát với học sinh và dễ tiếp thu, gần gũi.
Có chung quan điểm, Nhà giáo Ưu tú Ngô Hồng Giang cũng chia sẻ thêm, để công tác hướng nghiệp cho học sinh hiệu quả, ngoài việc mời các đơn vị chuyên môn, chuyên gia đến trường chia sẻ, chúng tôi còn cho học sinh tham gia Ngày hội hướng nghiệp – Nghề nghiệp (do thành phố Hà Nội tổ chức), chúng tôi đã cho học sinh được trực tiếp đến gặp đại diện các doanh nghiệp, trường đào tạo nghề các em yêu thích để hỏi thêm những vấn đề, kiến thức liên quan, từ đó hình dung và có định hướng cho bản thân.
“Khi học trò đã có kiến thức cơ bản về nghề nghiệp yêu thích từ những năm THCS, lên THPT các em sẽ giảm được áp lực trong việc gấp rút tìm hiểu nghề nghiệp cho bản thân”, Nhà giáo Ưu tú Ngô Hồng Giang nhấn mạnh.
“Bên cạnh những thuận lợi, Trường THCS Phương Mai cũng gặp phải một số khó khăn trong quá trình hướng nghiệp cho học sinh. Đó là tâm lý của nhiều phụ huynh vẫn muốn con vào được lớp 10 công lập. Họ lo lắng nếu con em mình đi học nghề sẽ bị dở dang, lãng phí thời gian và không thể đi học đại học…
Như vậy, dẫn đến nhiều em vô hình trung bị chịu áp lực tâm lý trong quá trình học tập cuối cấp bởi cái đích nhắm tới là phải đậu vào trường THPT công lập”, cô Phan Thị Thục Hạnh - Hiệu trưởng Trường THCS Phương Mai (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ.