Không cần cao siêu
- Theo bà, nếu không được tiếp cận hoặc tiếp cận muộn với giáo dục hướng nghiệp, các em sẽ phải chịu những thiệt thòi gì trong tương lai?
- Nếu học sinh tiểu học không được tiếp xúc với giáo dục hướng nghiệp, trẻ vẫn có thể tự hướng nghiệp. Trong cuộc sống hàng ngày, các em vẫn tiếp xúc với thông tin nghề nghiệp, tự ngộ ra và thấy cần thế này thế khác với nghề nghiệp cụ thể. Tuy nhiên, khi không được giáo dục hướng nghiệp bài bản thì tất cả chỉ là hướng nghiệp tự phát.
Giáo dục hướng nghiệp với chương trình bài bản, hệ thống, lớp lang, chuyên nghiệp sẽ giúp quá trình giáo dục trẻ đi theo trình tự khoa học. Như vậy kết quả đạt sẽ ở mức độ như mong đợi, đạt yêu cầu đặt ra. Giáo dục hướng nghiệp bài bản có lập trình, chương trình, có hình thức, phương pháp, có kiểm tra đánh giá sẽ tạo ra “sản phẩm” khác hẳn hướng nghiệp tự phát.
Không được giáo dục hướng nghiệp đôi khi dẫn tới tình trạng trẻ không biết mình muốn gì? thích gì? và không biết bản thân phù hợp với nghề nghiệp nào. Từ đó dẫn tới hoang mang khi lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Lựa chọn nghề nghiệp không phù hợp khiến người lao động thiếu năng lực, động cơ, sở thích… và không thể làm tốt công việc. Chất lượng nguồn nhân lực vì thế cũng giảm đi, không theo kịp yêu cầu của xã hội.
- Bà có lưu ý gì với hoạt động giáo dục hướng nghiệp cho học sinh tiểu học để đạt hiệu quả tốt nhất?
- Hướng nghiệp cho học sinh tiểu học quan trọng nhất vẫn là làm cho các em có cảm xúc tích cực, quý trọng mọi ngành nghề trong cuộc sống. Giáo dục hướng nghiệp không có sự phân hóa, phân loại nghề này nghề kia để việc định hướng nghề nghiệp sau này mang định kiến xã hội.
Đối với môn học Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong trường tiểu học đã đưa ra một số nội dung liên quan đến hướng nghiệp. Cụ thể như giúp trẻ hiểu được công việc, giá trị nghề nghiệp của bố mẹ, người thân. Ngoài ra, trẻ được nói lên được những ước mơ thông qua tìm hiểu thế giới nghề nghiệp. Có nhiều trò chơi, hoạt động thân quen, gắn với cuộc sống và hoạt động của trẻ. Cho trẻ làm quen với một số nghề của địa phương thông qua giáo dục nghề truyền thống. Làm quen nghề nghiệp khi thao tác một số nghề trong quá trình thăm quan du lịch…
Dù nội dung, chương trình hướng nghiệp cho học sinh tiểu học đã thể hiện trong sách giáo khoa một số môn học. Song giáo viên cần hết sức lưu ý phương pháp giáo dục không nên quá cao siêu, lớn lao bởi lứa tuổi này không thể “tải” hết. Cách giáo dục cần phù hợp, giản dị, nhẹ nhàng, gắn với cuộc sống hàng ngày của trẻ để dễ hình dung. Và giáo viên triển khai phương pháp giáo dục nào cũng phải thể hiện được ý đồ hướng nghiệp…
Nếu không được giáo dục hướng nghiệp từ nhỏ, học sinh sẽ thiếu hiểu biết, mơ hồ về nghề nghiệp và có thể dẫn đến lựa chọn không đúng với năng lực bản thân. Giáo dục hướng nghiệp cũng tạo cơ hội để học sinh khám phá sở trường, sở thích của bản thân liên quan đến nghề nghiệp.