Lễ cúng tất niên thường được tổ chức vào chiều 30 Tết với hai mâm: Cúng gia tiên và cúng thiên địa. Mâm cúng gia tiên được dọn bày từ các món ăn truyền thống như bánh chưng, bánh tét, thịt gà, lợn, giò, chả, xôi...
Mâm cúng thiên địa đơn giản hơn, thường là mâm cúng chay với gạo, muối, rượu, hoa quả... Tùy vào hoàn cảnh, điều kiện, mỗi gia đình có mâm cỗ cúng khác nhau nhưng dù đơn giản hay sang trọng đều không thể thiếu sự thành tâm và lòng biết ơn.
Bởi, hiếu thảo nào đâu cần mâm cao cỗ đầy, chỉ cần tấm lòng thành kính là đủ để sưởi ấm tâm hồn, vun đắp tình thân: Lòng thành chỉ nén hương trầm/ Phải đâu cao cỗ đầy mâm, mới là/ Cỏ cây nguyên đán cùng ta/ Nhớ Lang Liêu thuở Vua ra cày đồn (Tết nhớ Lang Liêu - Nguyễn Hữu Quý).
Trong dịp này, nếu người đàn ông thể hiện vai trò trụ cột khi đứng ra cúng bái thì người phụ nữ lại có cơ hội thể hiện sự khéo léo, đảm đang của mình qua những món ăn ngon, thịnh soạn.
Dù đi xa hay bận bịu, người nào cũng mong muốn được trở về nhà, cùng gia đình quây quần sum họp bên mâm cỗ cúng tất niên, phấn chấn/ khởi chuyện trò, thưởng thức những món ăn do người thân yêu của mình chế biến.
Lễ cúng tất niên vì thế mang nhiều ý nghĩa như đánh dấu sự kết thúc và tiễn biệt năm cũ, chuẩn bị chào đón năm mới; mời ông Công, ông Táo trở về trần thế tiếp tục cai quản công việc bếp núc cho gia đình.
Lễ cúng tất niên còn là dịp để tưởng nhớ và mời những người đã khuất tham gia bữa cơm cùng gia đình; con cháu thể hiện tấm lòng hiếu thảo, tôn kính đối với tổ tiên ông bà gia tiên; và cũng là thời điểm hợp lý để các thế hệ gặp gỡ, chuyện trò, chia sẻ niềm vui trong ngày cuối năm.
Nghi lễ cúng tất niên ngày nay không chỉ gói gọn trong gia đình mà đã mở rộng ra ở các cơ quan đoàn thể, các hội nhóm. Hình thức này góp phần tăng cường tinh thần đoàn kết, gắn bó giữa các thành viên trong cộng đồng. Theo đó, thời gian cúng/ăn tất niên cũng có sự thay đổi, không chỉ diễn ra vào đêm 30 tháng Chạp, mà có thể là trong những ngày giáp Tết.
Trải qua bao thăng trầm, Tết Nguyên đán luôn phản chiếu những nét đẹp văn hóa đặc sắc độc đáo của người Việt. Dẫu có băn khoăn so sánh khác biệt giữa sắc màu Tết xưa và Tết nay, hay nuối tiếc trước một số đổi thay, mai một của phong tục, lễ nghi thì lễ cúng tất niên cuối năm vẫn là phần lễ đặc biệt quan trọng, không thể thiếu, vẫn lưu giữ những vẻ đẹp, ý nghĩa và giá trị riêng biệt của nó.
Vì hương thơm từ tấm lòng, từ cội nguồn mà ra. Người với người nương theo khói hương để xích lại gần nhau hơn, tận hưởng và hết mình trong mối giao cảm tuyệt diệu của đất trời, vạn vật.
Người Việt thường thắp hương vào các dịp giỗ chạp, lễ Tết... Thông qua các lễ vật được dâng lên bàn thờ tổ tiên như hoa, quả, rượu, trà, bánh kẹo… cùng các nghi thức cúng bái, họ tỏ lòng thành kính, báo cáo chuyện gia đình và cầu mong sự che chở của tổ tiên.