Giáo dục

Hướng tới công bằng, chất lượng và minh bạch trong tuyển sinh

09/04/2025 22:27

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, quy đổi điểm tương đương trúng tuyển nhằm hướng tới công bằng, chất lượng và minh bạch trong tuyển sinh đại học.

“Giải mã” quy định về quy đổi tương đương

- Thưa Thứ trưởng, vừa qua Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư sửa đổi Quy chế tuyển sinh đại học và cao đẳng sư phạm, trong đó có điểm mới quan trọng đó là yêu cầu các cơ sở đào tạo quy đổi tương đương điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp xét tuyển đối với một ngành đào tạo. Vậy tại sao cần quy định như vậy?

- Đối với một ngành đào tạo có nhiều phương thức xét tuyển, tổ hợp môn xét tuyển sẽ có các điểm trúng tuyển (điểm chuẩn) tương ứng với từng phương thức, tổ hợp môn xét tuyển.

Giữa các tổ hợp môn dùng để xét tuyển vào cùng một ngành thì cho đến nay hầu hết trường đại học đã thực hiện theo cách quy định một điểm chuẩn chung, hoặc có chênh lệch nhỏ giữa các tổ hợp xét tuyển căn cứ phân tích phổ điểm các môn thi và yêu cầu của ngành đào tạo (ví dụ điểm trúng tuyển tổ hợp A1 phải lớn hơn tổ hợp A0 là 0,5 điểm).

Bên cạnh đó cũng có một số trường phân chia chỉ tiêu của cùng một ngành cho nhiều tổ hợp xét tuyển, trong nhiều trường hợp dẫn tới chênh lệch bất hợp lý giữa điểm chuẩn đối với các tổ hợp khác nhau.

Đặc biệt, khi một ngành sử dụng nhiều phương thức xét tuyển với chỉ tiêu riêng (ví dụ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, sử dụng kết quả học tập trong học bạ THPT và kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn của từng phương thức sẽ phụ thuộc vào việc phân chia chỉ tiêu và số lượng thí sinh dự tuyển đủ điều kiện.

Vấn đề là, việc phân chia chỉ tiêu giữa các phương thức xét tuyển hay tổ hợp xét tuyển thiếu căn cứ khoa học hay thực tiễn, dẫn tới sự biến động điểm chuẩn bất thường, khó lường qua các năm của các phương thức xét tuyển, tổ hợp xét tuyển đối với một ngành đào tạo.

Chúng ta đã từng thấy một số ngành ở một số trường không thuộc tốp trên có điểm chuẩn theo điểm thi tốt nghiệp THPT tăng đột biến chỉ vì chỉ tiêu của phương thức này quá ít.

Hơn nữa, việc phân chia chỉ tiêu cho từng phương thức, tổ hợp xét tuyển cũng tạo kẽ hở thậm chí có thể xảy ra tiêu cực trong quá trình xét tuyển để có lợi cho một phương thức, tổ hợp nhất định.

Đó là những lý do mà Bộ GD&ĐT phải đưa ra quy định về quy đổi tương đương từ năm nay.

Theo Quy chế sửa đổi, một ngành có nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển sẽ xác định điểm chuẩn cho từng phương thức, tổ hợp xét tuyển dựa trên tổng chỉ tiêu của ngành và quy tắc quy đổi tương đương giữa các điểm chuẩn.

Ví dụ, một ngành xét tuyển cả kết quả thi tốt nghiệp THPT theo 3 tổ hợp A0, A1 và D7 và điểm thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội (HSA), thì ngoài việc quy định một khoảng chênh lệch hợp lý giữa điểm chuẩn của các tổ hợp như thông thường, cơ sở đào tạo còn phải đưa ra một quy tắc quy đổi tương đương giữa điểm chuẩn theo điểm thi HSA và điểm chuẩn của tổ hợp A0 (hoặc A1, D7) trong một phạm vi điểm nhất định (ví dụ, từ 90-100 điểm HSA tương đương với 24-27 điểm tổ hợp A0).

Khi đó, quá trình xét tuyển sẽ được thực hiện bằng cách điều chỉnh lên hay xuống điểm chuẩn tương đương của tất cả phương thức, tổ hợp xét tuyển cho tới khi đạt được số lượng thí sinh trong danh sách trúng tuyển phù hợp với tổng chỉ tiêu của ngành.

Bản chất của quy định này nhằm bảo đảm điểm chuẩn của mỗi phương thức hay tổ hợp xét tuyển cũng phải “tương đương” về đánh giá, đảm bảo mức độ phù hợp của người học theo yêu cầu năng lực, kiến thức đầu vào của ngành đào tạo. Qua đó không chỉ tạo sự công bằng giữa các thí sinh, mà còn giúp nâng cao chất lượng và tính minh bạch trong tuyển sinh của các cơ sở đào tạo.

5.jpg
Thí sinh tìm hiểu tìm hiểu các ngành đào tạo tại Trường ĐH Thăng Long. Ảnh: NTCC.

Kinh nghiệm quốc tế

* Vậy việc quy đổi tương đương điểm chuẩn sẽ dựa trên căn cứ khoa học và thực tiễn nào? Kinh nghiệm của các nước khác trên thế giới thế nào?

- Trước hết, phải khẳng định mỗi quyết định đưa ra phải dựa trên phân tích dữ liệu. Bộ GD&ĐT có đầy đủ dữ liệu học bạ, kết quả thi tốt nghiệp THPT và kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy do các đại học lớn cung cấp trong những năm gần đây, thông qua kết quả tuyển sinh, kết quả học tập của sinh viên trúng tuyển vào trường. Thực tế trên thế giới cũng đã có những bảng quy đổi tương đương hay yêu cầu ngưỡng đầu vào đối với các hệ thống đánh giá khác nhau, như giữa SAT và ACT.

Đó là các căn cứ thực tiễn, còn về căn cứ khoa học, Bộ GDĐT dựa vào sự hỗ trợ của các chuyên gia, các nhà khoa học, thành lập tổ tư vấn chuyên môn bao gồm một số một số nhà toán học, chuyên gia đo lường và đánh giá giáo dục, chuyên gia phân tích dữ liệu và một số người trực tiếp làm công tác tuyển sinh tại các cơ sở giáo dục đại học, để đưa ra một báo cáo kỹ thuật chi tiết, thấu đáo với đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn, bao gồm cả kinh nghiệm quốc tế.

- Dư luận còn băn khoăn việc các trường có thể có những quy tắc quy đổi khác nhau, gây rối cho thí sinh. Quy chế mới có quy định Bộ sẽ ban hành hướng dẫn chung cho các cơ sở đào tạo, vậy việc đó được thực hiện như thế nào?

- Như đã nói ở trên, Bộ GD&ĐT đã thành lập tổ tư vấn kỹ thuật để tư vấn về phương án kỹ thuật tối ưu, trên cơ sở đó các đơn vị chuyên môn của Bộ sẽ xây dựng và đưa ra hướng dẫn chung cho các cơ sở đào tạo.

Hướng dẫn chung sẽ bao gồm khung quy đổi tương đương cho các phương thức, tổ hợp xét tuyển thông dụng và phương pháp sử dụng khung quy đổi đó để các cơ sở đào tạo xây dựng quy tắc quy đổi tương đương cho các ngành đào tạo.

Cách làm như vậy vừa bảo đảm được sự thống nhất chung trong toàn hệ thống, đơn giản và minh bạch cho tất cả thí sinh, vừa bảo đảm phù hợp với yêu cầu đặc thù của từng ngành đào tạo, quyền tự chủ của từng cơ sở đào tạo.

Các tham số cụ thể trong khung quy đổi chung của Bộ và quy tắc quy đổi của từng cơ sở đào tạo sẽ được cập nhật khi có đầy đủ điểm thi tốt nghiệp THPT của năm 2025.

Điều quan trọng là tất cả quy tắc này phải được công bố công khai chậm nhất vào thời điểm công bố ngưỡng đầu vào, trước khi các trường tiến hành quy trình xét tuyển đợt 1.

dsc00898.jpg
Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2025. Ảnh: TG.

Tác động tích cực và gia tăng sự công bằng cho thí sinh

- Có ý kiến cho rằng, các phương pháp đánh giá, các kỳ thi khác nhau có mục đích, cấu trúc và nội dung tiêu chí đánh giá khác nhau, không thể quy đổi tương đương được. Ý kiến của Thứ trưởng thế nào?

- Quy chế chỉ yêu cầu quy đổi tương đương điểm chuẩn đối với một ngành sử dụng nhiều phương thức xét tuyển hoặc tổ hợp xét tuyển và cơ sở đào tạo phải giải trình được căn cứ khoa học và thực tiễn của việc lựa chọn các phương thức, tổ hợp xét tuyển.

Nếu các phương thức xét tuyển sử dụng các tiêu chí đánh giá kiến thức, năng lực hoàn toàn khác nhau (mà không có chung phần cốt lõi) thì rõ ràng không thể dùng để xét tuyển cho cùng một ngành đào tạo, vì vậy cũng không thể và không cần xem xét việc quy đổi tương đương. Tương tự, các tổ hợp môn hoàn toàn khác nhau, đánh giá các kiến thức khác nhau thì cũng không thể sử dụng để xét tuyển cùng một ngành đào tạo.

Vì vậy, trong Quy chế sửa đổi, Bộ GDĐT cũng đã quy định chặt chẽ về tỉ trọng đánh giá của các môn chung đối với các tổ hợp môn của cùng một ngành đào tạo (bắt buộc áp dụng từ 2026). Nói cách khác, các cơ sở đào tạo chỉ được chọn sử dụng đồng thời nhiều phương thức, tổ hợp xét tuyển cho cùng một ngành khi có căn cứ khoa học và thực tiễn để quy đổi tương đương các điểm chuẩn với nhau.

- Với đổi mới xét tuyển như vậy, Bộ đánh giá tác động đối với thí sinh và các cơ sở đào tạo như thế nào?

- Việc quy đổi điểm tương đương giữa các phương thức xét tuyển có tác động tích cực quan trọng là gia tăng sự công bằng cho thí sinh và qua đó nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đã đưa ra dự báo là nhiều cơ sở đào tạo sẽ giảm số phương thức xét tuyển, đồng thời công tác tuyển sinh năm nay sẽ trở nên minh bạch hơn rất nhiều, khi tất cả điểm chuẩn được đối sánh với nhau giữa các phương thức, tổ hợp, giữa các ngành và các cơ sở đào tạo.

Sự khoa học và minh bạch cũng sẽ thúc đẩy công bằng cho các thí sinh và tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo, đó là điều mà tất cả chúng ta mong muốn.

Về kỹ thuật, các cơ sở đào tạo chỉ cần điều chỉnh quy trình xét tuyển nhưng không cần sửa đổi phần mềm xét tuyển, vì chỉ quy đổi mức điểm chuẩn giữa các phương thức chứ không quy đổi toàn bộ các điểm xét của thí sinh.

Xin cảm ơn Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn!

"Về phía thí sinh, hiện nay một số em còn băn khoăn chưa biết các kết quả thi riêng như SAT, HSA, TSA… sẽ được quy đổi thế nào so với điểm thi tốt nghiệp THPT, liệu có phức tạp hoặc có bất lợi cho một phương thức nào hay không. Các em có thể hoàn toàn yên tâm vì Bộ sẽ hướng dẫn các cơ sở đào tạo lựa chọn phương pháp phân tích dữ liệu phù hợp nhất để đưa ra quy tắc quy đổi đơn giản, công bằng. Bên cạnh đó, khi đăng ký xét tuyển trên hệ thống trực tuyến các em chỉ cần lựa chọn trường và ngành theo nguyện vọng, còn hệ thống phần mềm sẽ tự lựa chọn phương thức, tổ hợp xét tuyển có lợi nhất cho mỗi em" - Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/huong-toi-cong-bang-chat-luong-va-minh-bach-trong-tuyen-sinh-post726347.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/huong-toi-cong-bang-chat-luong-va-minh-bach-trong-tuyen-sinh-post726347.html
Bài liên quan
Tuyển sinh đại học 2025: Điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu thực tế
Trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hệ thống giáo dục đào tạo (GDĐT) đứng trước yêu cầu ngày càng cao trong việc cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước. Theo đó, công tác tuyển sinh đại học không chỉ nhằm tuyển đủ chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo mà còn phải bảo đảm chất lượng, tính minh bạch và công bằng trong xét tuyển.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hướng tới công bằng, chất lượng và minh bạch trong tuyển sinh