Thời sự

Huy động mọi nguồn lực bảo vệ người dân

Theo Nhóm PV 12/09/2024 08:12

Theo Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 17 giờ 30 phút ngày 11-9, đã có 324 người chết, mất tích do bão số 3, mưa lũ.

Hiện chính quyền các địa phương đang ưu tiên cho công tác ứng phó với mưa lũ; tìm kiếm, cứu nạn đối với những người mất tích; cứu chữa cho người bị thương; tổ chức thăm hỏi, động viên kịp thời thân nhân và hỗ trợ các gia đình có người thân bị thiệt mạng.

Một làng bị lũ quét "xóa sổ"

Tại Lào Cai, số người chết do mưa lũ đang tăng lên sau khi trận lũ quét vùi lấp 37 hộ dân (158 nhân khẩu) thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên. Đến chiều 11-9, đã ghi nhận 34 người tử vong, 17 người bị thương đang được điều trị, 61 người mất tích. Còn lại 46 người được xác định an toàn.

Do khu vực này nằm xa trung tâm (cách huyện Bảo Yên 40 km, cách TP Lào Cai 120 km); giao thông bị chia cắt, hoàn toàn mất thông tin liên lạc, nên đến 14 giờ lực lượng cứu hộ huyện mới tiếp cận được hiện trường. Hiện Sở Chỉ huy tiền phương đã được lập tại khu vực xảy ra lũ quét để chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả, cứu nạn. Ông Đặng Xuân Phong, Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai; ông Trịnh Xuân Trường, Chủ tịch UBND tỉnh, trực tiếp chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường. Lực lượng tìm kiếm nạn nhân bao gồm hàng trăm cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn 98, Sư đoàn 316, Quân khu 2; 80 cảnh sát cơ động của Bộ Tư lệnh cơ động tại Lào Cai; cùng hàng trăm người của huyện, tỉnh và nhiều trang thiết bị, phương tiện.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, tại khu vực Soi Cốc, phường Tân Phú (TP Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên), lực lượng quân đội và công an đã triển khai quân số, phương tiện ứng cứu, đưa nhiều người dân từ vùng ngập lũ đến nơi tránh trú an toàn. Sau 3 ngày có mặt tại hiện trường để hỗ trợ bà con di dời tránh lũ, triển khai công tác cứu hộ, thiếu tá Mai Tiến Sĩ - Chính trị viên Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 209, Sư đoàn 312, Quân đoàn 12 - cho biết đơn vị đã cử hơn 100 cán bộ, chiến sĩ, 2 xuồng máy cùng nhiều trang thiết bị khác để hỗ trợ người dân trong những ngày vừa qua. Đặc biệt trong thời điểm nước lũ đang dâng cao hôm 11-9, đơn vị đang triển khai tiếp cận các nhà dân để đưa người dân ra khỏi vùng lũ, đến nơi trú tránh an toàn.

Tại TP Thái Nguyên, sau 3 ngày bị lũ dâng, đến nay nhiều nơi vẫn chìm trong biển nước, người dân đang tích cực chống lũ khi nước sông Cầu vẫn chưa có dấu hiệu hạ. Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, nhiều khu vực đã ngập trong nước lũ, giao thông chia cắt trong khi thời tiết vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, mưa liên tục. Tỉnh Tuyên Quang đã di dời khẩn cấp 692 hộ dân với 2.853 nhân khẩu ở huyện Yên Sơn và 3 xã Mỹ Bằng, Nhữ Hán, Nhữ Khê nằm trong vùng nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ngay trong chiều và đêm.

Cùng ngày, mưa lớn tiếp tục dội xuống Hà Nội. Nhiều phường nằm ngoài đê của quận Hoàn Kiếm như Phúc Tân, Chương Dương nước đã ngập trắng. Không chỉ quận Hoàn Kiếm, các quận khác như Tây Hồ, Ba Đình, Long Biên... cũng đã xảy ra ngập úng ở khu vực ven đê.

Lực lượng cứu hộ đưa người dân Thái Nguyên thoát khỏi vùng lũẢnh: CHIẾN HƯỞNG
Lực lượng cứu hộ đưa người dân Thái Nguyên thoát khỏi vùng lũẢnh: CHIẾN HƯỞNG

Không để ai bị đói bị rét

Chiều 11-9, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ về một số nội dung quan trọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp để ứng phó mưa lũ, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục hậu quả thiên tai, bảo đảm đời sống nhân dân chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, mưa lũ.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "đặt tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân lên trên hết, trước hết", "không để ai bị đói, bị rét, bị khát, không có chỗ ở", tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, đồng bộ các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, các công điện, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, triển khai mọi biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung cứu hộ, cứu nạn với người bị nạn, mất tích; cứu chữa những người bị thương; lo hậu sự cho người xấu số. Tìm mọi biện pháp, bằng mọi phương tiện đường thủy, đường bộ, hàng không, tiếp cận, hỗ trợ trợ nhu yếu phẩm cho khu vực bị chia cắt, nhất là lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc men. Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu tiếp tục kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình đê điều, hồ đập; có đánh giá, dự báo sát tình hình để có phương án xử lý phù hợp; khẩn trương di dời người dân khỏi vùng nguy cơ cao tới nơi an toàn. Đồng thời, kiểm soát thị trường, giá cả, bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa phục vụ dân sinh, không để thiếu hàng, tránh tình trạng găm hàng, đội giá; chuẩn bị giống và có chính sách hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp.

Thị sát tình hình hồ thủy điện Thác Bà (tỉnh Yên Bái), Phó Thủ tướng Lê Thành Long yêu cầu tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt lưu ý, trong mọi tình huống thì ưu tiên cao nhất luôn là sức khỏe, tính mạng của nhân dân. Ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy điện Thác Bà (Yên Bái), khẳng định hồ thủy điện này vẫn an toàn.

Thủ tướng Nhật Bản gửi điện thăm hỏi

Ngày 11-9, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình đã tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đến trao điện thăm hỏi của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính về ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) tại Việt Nam trong những ngày qua.

Trong bức điện, Thủ tướng Kishida bày tỏ chia buồn sâu sắc tới các gia đình có người bị nạn tại các khu vực chịu ảnh hưởng của cơn bão, nhấn mạnh Chính phủ Nhật Bản luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam vượt qua khó khăn, khắc phục hậu quả.

Đại sứ Nhật Bản Ito cho biết hiện Chính phủ Nhật Bản, thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), đang xem xét tích cực việc hỗ trợ trang thiết bị, vật tư phục vụ công tác khắc phục hậu quả cơn bão trên cơ sở nhu cầu của phía Việt Nam; cho biết chưa nhận bất cứ thông tin nào về công dân Nhật Bản gặp nạn do cơn bão; mong muốn Chính phủ, các địa phương Việt Nam tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sớm khôi phục các hoạt động sản xuất.

N.Dương

Mỹ hỗ trợ 1 triệu USD cứu trợ khẩn cấp sau bão Yagi

Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), sẽ cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại thảm khốc do bão Yagi gây ra.

Khoản viện trợ này sẽ được phân bổ tới các đối tác cứu trợ nhân đạo để có thể tiến hành hỗ trợ tiền mặt cho các mục đích khác nhau, cung cấp nơi lánh nạn, nước sạch, vệ sinh cũng như các hỗ trợ khác ngoài thực phẩm để đóng góp vào các nỗ lực cứu trợ thiên tai do Chính phủ Việt Nam chỉ đạo đang khẩn trương triển khai trên cả nước.

D.Ngọc

Việt Nam - Trung Quốc phối hợp giảm thiểu thiệt hại do lũ lụt

Trước thông tin về việc Trung Quốc chuẩn bị xả lũ đập thủy điện Ma Lù Thàng (thuộc tỉnh Vân Nam - Trung Quốc, thượng nguồn sông Lô), Bộ Ngoại giao và các Cơ quan đại diện Việt Nam tại Trung Quốc đã khẩn trương làm việc với Bộ Ngoại giao Trung Quốc và tỉnh Vân Nam.

Vừa qua do xảy ra mưa lớn liên tục nhiều ngày, mực nước tại đập thủy điện Ma Lù Thàng dâng rất cao, gây nguy cơ vỡ đập. Trong trường hợp vỡ đập sẽ gây tổn thất rất lớn cho các địa phương hai nước. Trên cơ sở cân nhắc thận trọng, Trung Quốc đã thông báo cho tỉnh Hà Giang về việc dự kiến xả đập Ma Lu Thàng vào lúc 15 giờ ngày 11-9 đến 14 giờ ngày 12-9 với khối lượng xả tối đa là 250 m3/giây. Sau các trao đổi của Việt Nam, cơ quan chức năng, Trung Quốc sẽ giảm khối lượng xả tối đa xuống còn 200 m3/giây và lùi thời gian xả lũ thành 16 giờ 30 phút ngày 11-9. Phía Trung Quốc cũng cho biết đã yêu cầu các địa phương liên quan của Trung Quốc bảo đảm chỉ xả lũ ở mức nhỏ nhất với mục đích giữ an toàn cho đập nước.

Đối với thượng nguồn sông Nguyên/sông Hồng, phía Trung Quốc khẳng định tất cả nhà máy thủy điện và đập nước của Trung Quốc không xả lũ.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ Ngoại giao, trong thời gian tới, các Cơ quan đại diện Việt Nam ở Trung Quốc sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại nhằm thúc đẩy các biện pháp giảm thiểu tối đa lượng nước thượng nguồn của Trung Quốc đổ xuống hạ nguồn các địa phương của Việt Nam.

D.Ngọc

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Huy động mọi nguồn lực bảo vệ người dân