Sau báo cáo của UBND huyện Yên Phong, ông Nguyễn Thành Chu, Chủ tịch Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Khu đô thị đã thừa nhận, dự án chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng. Ông Chu cho biết, đến thời điểm hiện tại, Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Khu đô thị chưa ký một hợp đồng chuyển nhượng nào và có ký một số hợp đồng góp vốn. Dự án này cũng đã được Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư xây dựng Khu đô thị thế chấp với ngân hàng.
Song theo ông Chu, phần thế chấp chỉ còn khoảng 30 tỷ và phần thế chấp này "không đáng kể" so với phần phải thu của khách hàng và phần tài sản còn lại của dự án. Với vấn đề “bán chồng lô” được nêu trong đơn kêu cứu của người dân, ông Chu cho biết, việc này là do Giám đốc mới không tìm hiểu kỹ hồ sơ đã ký nhận đặt cọc 2 lô và sự việc này đã nhiều lần gọi người dân lên giải quyết nhưng không được.
Bà Lại Phương Lan - Giám đốc Công ty cổ phần phát triển đô thị Phương Bắc Bắc Ninh cũng đồng tình với những nội dung nêu trên của ông Nguyễn Thành Chu. Bà Lan cho rằng, không có chuyện quyền lợi của khách hàng bị xâm phạm: “Trước khi chuyển nhượng, chúng tôi sẽ tất toán toàn bộ sổ để đảm bảo quyền lợi và đảm bảo cho khách hàng”.
Tuy nhiên, trước chất vấn của lãnh đạo huyện Yên Phong về việc là đơn vị được phân phối dự án trực tiếp từ chủ đầu tư, Công ty cổ phần phát triển đô thị Phương Bắc Bắc Ninh có biết dự án này chưa được phép chuyển nhượng hay không?
Bà Lan trả lời là “không nắm được”: “Sơ suất của tôi là không tìm hiểu rõ và chưa nắm sâu luật về kinh doanh bất động sản, nên có hiện tượng ký góp vốn, văn bản thoả thuận nhận chỗ, đặt cọc... Việc này là hoàn toàn chưa đúng với pháp luật. Tôi có liên hệ với khách hành về việc này và nêu phương án thanh lý hợp đồng, nhưng khách hàng không đồng ý và yêu cầu tiếp tục thực hiện văn bản thoả thuận cho đến khi dự án đủ điều kiện chuyển nhượng. Sai phạm đến đâu, với tư cách là đơn vị phân phối, tôi xin nhận trách nhiệm”.
Trước ý kiến của chủ đầu tư và đơn vị phân phối dự án Nhà ở Dũng Liệt, ông Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch UBND huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, khẳng định từ mặt quản lý Nhà nước, từ năm 2019 đến nay, đã ban hành 13 văn bản liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản trên địa bàn. Trong đó, nêu rõ khi chưa được phép thì không được thực hiện chuyển nhượng, huy động vốn... Riêng dự án dự án Nhà ở Dũng Liệt, UBND huyện có 3 văn bản cá biệt, chỉ đạo riêng.
“Chúng tôi đã cảnh báo từ rất lâu, nhưng chủ đầu tư thực hiện không nghiêm túc. Tôi yêu cầu, khẩn trương hoàn thiện toàn bộ đầu tư cơ sở hạ tầng, sau đó báo cáo UBND huyện, Sở Xây dựng tỉnh... để hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định pháp luật và đề xuất UBND tỉnh cho phép chuyển nhượng. Thứ hai, phải có báo cáo tổng thể chi tiết, đầy đủ về đầu tư cơ sở hạ tầng, huy động vốn và đặc biệt là cam kết với người dân. Tôi yêu cầu, công ty trong vòng 1 tuần hoàn thành báo cáo gửi UBND huyện, gửi Sở Xây dựng và gửi tới VOV để cơ quan báo chí có căn cứ trả lời công dân khi công dân đã có đơn kêu cứu khẩn cấp”, ông Cường nhấn mạnh.
Trước đó, như VOV.VN đưa tin , hàng trăm khách hàng mua đất tại dự án Nhà ở Dũng Liệt, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh đã ôm đơn kêu cứu khắp nơi khi phát hiện các lô đất đã mua đã bị chủ đầu tư thế chấp ngân hàng. Đồng thời, nhiều lô đất tại dự án này lại được “bán chồng lô” - một mảnh đất bán cho 2 khách hàng khác nhau.
Tại đơn kêu cứu gửi đến Báo Điện tử VOV, tập thể các nhà đầu tư đã mua đất cho biết, các đơn vị chủ đầu tư và phân phối dự án đã không công khai các văn bản thể hiện tính pháp lý của dự án, khi chưa được phép bán dự án nhưng vẫn cố tình bán cho khách hàng.
Đến nay, Công ty Cổ phần phát triển đô thị Phương Bắc Bắc Ninh đã thu tiền của người mua số tiền tương ứng từ 45%, 70% đến 95% giá trị mua bán lô đất ghi trong văn bản thỏa thuận với số tiền đã thu lên đến vài trăm tỷ đồng trước ngày 25/8/2022./.