Khảo sát trên các trang rao bán bất động sản, nhiều khách sạn trung tâm phố cổ rao bán có giá từ 100-500 tỷ đồng. Các khách sạn được rao bán chủ yếu nằm trên những tuyến phố trung tâm như Lê Ngọc Quyến, Hàng Chiếu, Hàng Thùng, Hàng Trống, Hàng Gai, Hàng Buồm, Hàng Bồ...
Trước đó, chủ sở hữu khách sạn dát vàng Dolce by Wyndham Hanoi Golden Lake gây bất ngờ khi thông báo rao bán với giá khởi điểm 250 triệu USD. Khách sạn được khánh thành từ tháng 7/2020, với vốn đầu tư hơn 100 triệu USD.
Với tình trạng rao bán khách sạn rầm rộ thời gian gần đây, anh Lê Văn Huy - môi giới bất động sản khu vực quận Hoàn Kiếm cho biết, với mức giá chào bán hiện nay còn khá cao nên rất khó tìm được người mua. Sau một thời gian rao bán, không ít chủ khách sạn đã điều chỉnh mức giá thấp dần, nhưng thực tế giai đoạn kinh tế suy giảm này, khó có giao dịch thành công.
Thực tế, không riêng gì khách sạn ở khu vực phố cổ Hà Nội mà nhiều khách sạn ở trung tâm TP Đà Nẵng nằm trên tuyến đường ven biển quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn hay ở khu vực phố cổ Hội An (Quảng Nam) cũng được rao bán rầm rộ thời gian qua.
Trên các website mua bán, từ đầu tháng 4 đến nay có hàng trăm lượt rao bán khách sạn, hầu hết là các khách sạn từ 4 sao trở xuống, mức giá dao động từ 30 tỷ đồng đến hàng trăm tỷ đồng.
Đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư có nên mua lại khách sạn rao bán lúc này hay không, bà Uyên Nguyễn, trưởng bộ phận tư vấn, Savills Hotels châu Á - Thái Bình Dương lưu ý, bên mua cần quan tâm đến khả năng vận hành kinh doanh khách sạn vì đây là yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập tương lai và khả năng sinh lời. Người mua cần biết đơn vị vận hành, thương hiệu của dự án, cấu trúc hợp tác cho thuê ra sao, các tiện ích cung cấp, đây đều là những yếu tố cơ bản cần tìm hiểu trước khi quyết định đầu tư.