Về mặt an ninh, khả năng trở lại của ông Trump nhắc nhở giới lãnh đạo Iran về một mất mát đáng kể, đó là vụ Mỹ ám sát Tướng Qassem Soleimani - Chỉ huy Lực lượng Quds thuộc Quân đoàn Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) hồi tháng 1-2020.
Khi tướng Soleimani thiệt mạng, lãnh đạo tối cao Iran - ông Ali Khamenei đã mô tả ông Soleimani là kiến trúc sư đằng sau mạng lưới dân quân do Iran hậu thuẫn ở Trung Đông.
Ông Khamenei cũng cho biết ông “cúi đầu trước ông Soleimani” vì những thành tích của vị tướng này với Lực lượng Quds. Điều này minh họa tác động sâu sắc từ cuộc tấn công của Mỹ đối với lợi ích an ninh của Iran.
Gần đây, sau vụ tòa nhà lãnh sự bên trong Đại sứ quán Iran ở Syria trúng không kích khiến 2 tướng cấp cao và 5 cố vấn quân sự của IRGC thiệt mạng, Iran đã cáo buộc Israel là thủ phạm và phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào lãnh thổ Israel.
Hiện trường vụ không kích tại tòa nhà lãnh sự bên trong Đại sứ quán Iran ở Syria hôm 1-4. Ảnh: REUTERS
Ngày sau vụ tấn công, ông Trump đã đăng lại một dòng trạng thái mà ông từng đăng khi còn đương nhiệm: “Gửi Tổng thống Iran: Đừng bao giờ đe dọa Mỹ lần nữa nếu không các bạn sẽ chịu những hậu quả chưa từng có trong lịch sử. Chúng tôi không còn là một quốc gia bỏ qua những ngôn từ chết chóc và bạo lực của các bạn. Hãy cẩn trọng”.
Trong một bài phát biểu gần đây, ông Trump cũng nói rằng Israel đang bị tấn công vì sự yếu kém của Mỹ và cho rằng điều này “sẽ không xảy ra nếu tôi còn đương nhiệm”.
Theo các chuyên gia, những lời hùng biện của cựu lãnh đạo Mỹ cùng căng thẳng hiện nay với Israel đang gia tăng áp lực lên giới lãnh đạo Iran về khả năng ông Trump quay lại. Những lo ngại có thể là việc Mỹ hoặc Israel gia tăng hành động quân sự chống lại lực lượng thân Iran ở Iraq và Syria, hoặc có khả năng dẫn đến các cuộc tấn công táo bạo hơn nhằm vào chính Iran.
Ngay cả trước khi những căng thẳng gần đây giữa Israel và Iran bùng phát, ông Mehdi Mohammadi - cố vấn của chủ tịch quốc hội Iran về các vấn đề chiến lược cho rằng an ninh quốc gia của Iran có thể phải đối mặt những năm “rất khó khăn” nếu ông Trump đắc cử tổng thống.
Tác động chính trị trong nước
Đầu năm nay, Iran đã tổ chức bầu cử quốc hội và Hội đồng chuyên gia (cơ quan bổ nhiệm lãnh đạo tối cao Iran) nhưng tỉ lệ cử tri đi bầu thấp kỷ lục, chỉ 41%.
Đây là lần thứ ba trong bốn năm (bao gồm hai cuộc bầu cử quốc hội và một cuộc bầu cử tổng thống), Iran chứng kiến tỉ lệ cử tri bỏ phiếu dưới 50%. Trước năm 2020, tỉ lệ cử tri đi bầu thường vượt quá 60% hoặc thậm chí 70%.
Điều này cho thấy giới lãnh đạo Iran đang ở rơi vào cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất về tính chính danh trong lịch sử nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Các chuyên gia nhận định rằng trong bối cảnh sự mặn mà của người dân dành cho giới cầm quyền Iran suy giảm, những hậu quả kinh tế có thể xảy ra từ nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump có thể gây ra một làn sóng phản đối mới ở Iran.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng nếu ông Trump nhậm chức vào đầu năm sau, lãnh đạo tối cao Iran Khamenei lúc đó 86 tuổi, và bất cứ việc chuyển giao quyền lực nào ở Iran dưới thời Tổng thống Trump có thể mang lại nhiều bất ổn hơn nữa cho Tehran.