Theo Giám đốc Cơ quan Liên hợp quốc hỗ trợ người tị nạn Palestine (UNRWA) Philippe Lazzarini, trường hợp Israel tấn công vào Rafah, nỗi lo đầu tiên chính là hàng triệu dân thường sẽ đi về đâu khi “hoàn toàn không còn nơi nào an toàn ở Rafah”. Israel nhiều lần tuyên bố sẽ chuẩn bị kế hoạch cụ thể về sơ tán dân thường trước khi đổ bộ vào Rafah, song đến nay vẫn chưa có kế hoạch nào như vậy.
Ngoài ra, Rafah cũng là một trong hai cửa khẩu mà viện trợ nhân đạo đi vào Dải Gaza. Nếu TP này bị tấn công, nguồn viện trợ nhân đạo, vốn đã ít ỏi, cho người dân Dải Gaza sẽ bị ảnh hưởng. Bà Shaina Low, cố vấn truyền thông tại Hội đồng Người tị nạn Na Uy (một tổ chức nhân đạo có trụ sở tại Jerusalem), đã cảnh báo rằng “nếu xung đột xảy ra ở Rafah sẽ cản trở nghiêm trọng các hoạt động viện trợ”.
Israel hy vọng Ai Cập sẽ nhượng bộ bằng cách mở cửa biên giới trong khi Ai Cập hy vọng rằng có thể làm chậm cuộc tấn công của Israel cho đến khi Mỹ giúp cuộc chiến kết thúc.
Ông OMAR RAHMAN, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu hội đồng các vấn đề thế giới về Trung Đông (trụ sở Qatar)
Israel cũng sẽ chịu ảnh hưởng
Về phía Israel, chiến dịch ở Rafah được cho là sẽ ảnh hưởng đến uy tín của nước này khi nhiều nước và tổ chức quốc tế kêu gọi Israel tránh tấn công vào Rafah.
Hôm 19-2, 26 quốc gia của Liên minh châu Âu cảnh báo Israel không nên tấn công vào Rafah vì “sẽ làm xấu đi tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc”, theo hãng tin Reuters.
Ngày 15-2, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Thủ tướng New Zealand Christopher Luxon ra tuyên bố chung kêu gọi ngừng bắn nhân đạo “ngay lập tức” và cảnh báo một cuộc tấn công vào Rafah sẽ là “thảm họa”. Pakistan và Cuba hôm 9-2 cũng phản đối kế hoạch tấn công quân sự của Israel vào Rafah.
Ngày 8-2, phát ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby lưu ý rằng cuộc tấn công của Israel vào Rafah sẽ là “thảm họa” với người dân và nói rõ rằng Mỹ sẽ không ủng hộ “nếu không có bất kỳ sự cân nhắc đầy đủ nào về việc bảo vệ dân thường”.
Đáng chú ý, Nam Phi tuần trước đã gửi “yêu cầu khẩn cấp” lên Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) để buộc Israel ngừng kế hoạch ở Rafah. Dù bác yêu cầu của Nam Phi nhưng ICJ cảnh báo một cuộc tấn công vào Rafah “sẽ làm gia tăng theo cấp số nhân những gì vốn đã là cơn ác mộng nhân đạo” và yêu cầu Israel tuân thủ các lệnh mà tòa ban hành hồi tháng trước để ngăn chặn nạn diệt chủng ở Dải Gaza.
Sau cùng, việc tấn công vào Rafah có thể phá hủy mối quan hệ giữa Israel và Ai Cập. Cairo lo ngại rằng nếu Rafah bị tấn công, người dân Palestine sẽ tràn vào biên giới Ai Cập, tạo thêm áp lực cho nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn của nước này. Cairo ngày 9-2 đã cảnh báo rằng bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào của Israel vào Rafah sẽ gây ra “hậu quả thảm khốc” và đe dọa đến hiệp ước hòa bình mà Ai Cập và Israel đã có suốt 40 năm qua.
Đồn đoán thời điểm Israel đổ bộ vào Rafah Ngày 18-2, ông Benny Gantz, cựu Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và hiện là thành viên trong nội các thời chiến Israel, cảnh báo rằng Israel sẽ mở rộng các hoạt động quân sự tại Rafah nếu Hamas không trả tự do cho các con tin Israel trước tháng Ramadan (tháng ăn chay của người Hồi giáo, thường rơi vào tháng 3 dương lịch). The Times of Israel dẫn lời một quan chức Mỹ rằng khả năng Israel đổ bộ vào Rafah trước tháng lễ Ramadan không cao. Theo vị quan chức này, Israel cần nhiều tuần để sơ tán dân thường tại Rafah và thiết lập cơ chế nhân đạo trước khi tấn công vào TP này. |