Đáng chú ý, một số doanh nghiệp từng được biết đến là các đại gia bất động sản, nhưng ít ai ngờ họ lại có doanh thu từ điện cao hơn cả mảng địa ốc.
Cụ thể, trong lĩnh vực bất động sản, CTCP Tập đoàn Hà Đô (mã chứng khoán: HDG) được biết đến là chủ đầu tư của hàng loạt dự án lớn tập trung chủ yếu tại Hà Nội và TP. HCM. Từ năm 2006, CTCP Tập đoàn Hà Đô bước chân vào lĩnh vực năng lượng. Đến nay, doanh nghiệp này đã có 2 dự án điện mặt trời và 1 dự án điện gió và 4 dự án thủy điện.
Theo BCTC, tính đến ngày 31/3/2023 Hà Đô có tổng tài sản là 14.749 tỷ đồng, giảm nhẹ so với đầu năm. Trong quý I/2023, doanh thu thuần của HDG đạt 956 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ và LNST hơn 357 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, đóng góp chính cho kết quả này là mảng năng lượng với doanh thu từ mảng năng lượng (thủy điện và điện mặt trời) với 543 tỷ đồng, tăng 13% với với cùng kỳ 2021. Mảng bất động sản đem về 312 tỷ đồng, gấp 2,4 lần cùng kỳ.
CTCP Tập đoàn Sao Mai (Mã chứng khoán: ASM) trong quý đầu năm ghi nhận 3.050 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 5% so với cùng kỳ. Biên lãi gộp giảm từ 16% xuống 12%. Trong đó, doanh thu từ bất động sản quý I của ASM đạt 32 tỷ đồng, giảm hơn 71% so với cùng kỳ, còn doanh thu từ điện năng lượng mặt trời đạt 196 tỷ đồng, tăng hơn 27% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 86 tỷ đồng, giảm hơn 73% so với cùng kỳ. Về lĩnh vực bất động sản, Sao Mai là một trong những doanh nghiệp bất động sản lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Trong lĩnh vực điện năng lượng tái tạo, Sao Mai được biết tới với các dự án như Nhà máy điện mặt trời Sao Mai (An Giang); Nhà máy năng lượng mặt trời (Đắk Lắk); Nhà máy năng lượng mặt trời (Đắk Nông);...
CTCP Bamboo Capital (mã chứng khoán: BCG) được biết đến với hàng loạt dự án bất động sản khu đô thị, nghỉ dưỡng,... Trong lĩnh vực điện tái tạo, BCG cũng là cái tên đáng được chú ý khi sở hữu 5 dự án điện mặt trời và 2 dự án điện gió.
Được biết, Nhà máy năng lượng mặt trời Phù Mỹ của Tập đoàn Bamboo Capital đã "về đích" đầu tiên khi trở thành dự án chuyển tiếp được công nhận vận hành thương mại (COD) sớm nhất trong các dự án chuyển tiếp.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản vẫn mạnh tay đầu tư vào điện tái tạo
Ngoài các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản được niêm yết trên sàn chứng khoán tham gia kinh doanh, sản xuất điện tái tạo thì còn một số doanh nghiệp lớn khác không niêm yết cũng đang mạnh tay tham gia vào lĩnh vực này.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Đầu Tư Xây dựng Trung Nam (Trung Nam group) hoạt động với hệ sinh thái đa ngành trong đó có bất động sản và năng lượng. Cụ thể, giai đoạn từ 2004 - 2015 Trung Nam Group miệt mài thực hiện các nhà máy thủy điện. Sau đó, doanh nghiệp này bắt đầu chuyển hướng đến điện mặt trời và điện gió. Theo thông tin dự án tại website, hiện Trung Nam Group có 4 dự án điện và 2 dự án điện mặt trời và 3 dự án thủy điện.
Trong lĩnh vực bất động sản, Tập đoàn Bim Group được biết đến với hàng loạt dự án tại Quảng Ninh, Hà Nội, Phú Quốc (Kiên Giang),… Tuy nhiên, từ tháng 4/2019 Bim Group chính thức bước chân vào kinh doanh điện mặt trời khi khánh thành 3 dự án Nhà máy điện mặt trời Bim 1, 2 và 3 (xã Phước Ninh, Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận) với tổng quy mô 400ha, công suất 405MWp (theo giới thiệu tại website doanh nghiệp).
Ngoài được biết đến thành công trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, bất động sản, Tập đoàn Xuân Thiện (Xuân Thiện Group) còn được xem là “ông lớn” trong lĩnh vực điện mặt trời. Tổng công suất dự án điện mặt trời mà Xuân Thiện Group đã và đang đầu tư đạt hơn 3.070MWp, sản lượng khoảng 5,5 tỷ kWh, tổng vốn đầu tư là 57.000 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp này còn sở hữu 12 nhà máy thủy điện (theo công bố tại website).
Tập đoàn Xuân Thiện cũng đã triển khai, chuẩn bị đầu tư nhiều dự án với quy mô công suất lên đến hàng nghìn MW điện mặt trời khắp các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Bình Thuận, Ninh Thuận và Đắk Lắk với tổng công suất lên đến 3.000MW.
Vào tháng 6/2022, Xuân Thiện Group đã bán hai dự án điện mặt trời có tổng công suất 200MWac tại huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận) cho EDP Renovaveis, S.A. (EDPR). Thương vụ có tổng giá trị 284 triệu USD.
CTCP Kosy (mã chứng khoán: KOS) là cái tên quen thuộc trong ngành bất động sản khi là chủ đầu tư hàng loạt khu đô thị. Tuy nhiên, cuối năm 2018, doanh nghiệp này chính thức rẽ hướng kinh doanh thêm năng lượng tái tạo khi khởi công dự án nhà máy thủy điện Nậm Pạc (Lai Châu) với mức đầu tư 1.100 tỷ đồng, tổng công suất 34MW. Hiện nay, Kosy đang vận hành, thi công 6 dự án gồm điện mặt trời, thủy điện và điện gió.
Ngoài ra, còn có một số doanh nghiệp bất động sản cũng đang quan tâm, nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực điện tái tạo. Đơn cử, tại ĐHCĐ 2021 của CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (mã chứng khoán: PDR), ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT khẳng định: “Chúng ta sẽ bổ sung ngành nghề năng lượng tái tạo”.