Kể chuyện mỗi ngày bằng nhật ký

Liên Minh | 24/10/2023, 11:16
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Viết là một kỹ năng quan trọng của con người, bắt đầu viết nhật ký hàng ngày, trẻ em sẽ hình thành thói quen viết. Từ đó trẻ sẽ có kinh nghiệm tự tích luỹ, rèn rũa được kỹ năng viết, kỹ năng học tập suốt đời.

15.png
Hãy dạy trẻ biết kể chuyện mỗi ngày bằng nhật ký.

Lợi ích tích cực của việc viết nhật ký

Thứ ba, ngày 15 tháng 10 năm 2023. Trời nắng chuyển sang râm. Leo núi.

Hôm nay, thầy giáo dẫn chúng tôi đi du xuân – leo núi, mọi người đều chơi đùa vui vẻ vô cùng! Thường ngày, tôi rất thích leo núi, vừa mới tới chân núi, thầy giáo đã ra lệnh “Chuẩn bị, xuất phát!”. Các bạn trong lớp từng người từng người một men theo con đường núi quanh co chạy lên trên tựa như mũi tên vừa bật khỏi dây cung vậy.

Đi được tới lưng chừng núi, con đường núi trước mặt đã biến thành đường hẹp và ngoằn nghèo, mọi người nối tiếp nhau trèo lên trên. Các bạn người thì dùng tay nắm chắc lấy mỏm đá, người thì níu chặt tay vào rễ cây mà leo lên.

Khi mới bắt đầu, chúng tôi ai nấy đều hăng hái, mạnh mẽ tiến lên, leo tiếp, tay hơi đau một chút rồi chân cũng bắt đầu không nghe sai bảo nữa, miệng thì thở phì phò phì phò. Một bạn đằng sau tôi hô to: ….

Đây là một đoạn nhật ký kể chuyện leo núi. Đứa trẻ đã kể rất chi tiết về các hoạt động theo tiến trình của sự kiện. Bài viết còn có những câu miêu tả, so sánh, sử dụng những từ ngữ có tính tạo hình cao cho thấy đứa trẻ phải có kinh nghiệm viết, kinh nghiệm đọc và ghi nhớ từ ngữ cùng với tư duy logic thì mới viết được đoạn văn như vậy.

Các nhà khoa học giáo dục đã chỉ ra 05 lợi ích tuyệt vời của việc cho trẻ viết nhật ký mỗi ngày.

Thứ nhất là giúp trẻ tăng cường trí nhớ thông qua hoạt động tái hiện những trải nghiệm đã qua, từ đó, tăng cường sự ghi nhớ của não bộ.

Thứ hai là giúp trẻ tỉnh táo và suy xét nhiều khía cạnh của vấn đề thông qua việc sắp xếp lại những suy nghĩ lộn xộn thành những câu chữ có logic và ý nghĩa. Việc sắp xếp này cũng giúp trẻ nhìn nhận lại sự việc, xác định cảm xúc và rút ra được bài học kinh nghiệm cho bản thân.

Thứ ba là giúp trẻ nuôi dưỡng cảm xúc tích cực thông qua việc viết ra cảm nhận của bản thân đối với sự việc đã xảy ra. Dù tức giận, buồn chán hay hứng khởi, vui vẻ thì đối với sự việc đã được tái hiện lại trên nhật ký, đứa trẻ cũng có cái nhìn khách quan hơn, cân bằng cảm xúc hơn, nhìn ra cách giải quyết vấn đề tốt hơn.

Thứ tư là giúp trẻ hình thành kỹ năng viết và tư duy thông qua thói quen viết lách mỗi ngày.

Tạo cho trẻ thói quen viết nhật ký từ sớm cũng giúp con không ngại viết, cải thiện cả chữ viết tay và năng lực diễn đạt bằng từ ngữ.

Thứ năm là giúp trẻ tăng cường tính kỷ luật thông qua thói quen viết mỗi ngày, không phụ thuộc vào cảm xúc, hứng thú hay điều kiện cơ sở vật chất.

Thói quen sẽ tạo ra động lực và thôi thúc đứa trẻ hành động, giải phóng cảm xúc và suy nghĩ, từ đó, tăng cường năng lượng tích cực phục vụ học tập và làm việc.

13.jpeg
Ảnh minh hoạ.

Cha mẹ giúp con viết nhật ký mỗi ngày

Những trẻ mới học viết nhật ký, phụ huynh nhất định cần chú ý hướng dẫn trẻ nhập môn như thế nào. Tốt nhất là bắt tay vào phụ đạo cho con viết nhật ký theo một vài kinh nghiệm dưới đây.

Đầu tiên hãy cho trẻ tập viết “Nhật ký quan sát” và “Nhật ký trưởng thành”

Muốn viết nhật ký cho hay thì phải năng quan sát, thạo việc phân tích. “Nhật ký quan sát” ở đây chính là viết lại về những người, vật, việc mà bản thân được tận mắt quan sát dưới hình thức nhật ký.

Còn đối với những trẻ đã học đến trung học, nên thiên về quan sát cảnh vật, bao gồm các cảnh trong cuộc sống và một vài hiện tượng tự nhiên. Chẳng hạn, Có thể quan sát chiếc tivi trong nhà, đồng hồ báo thức, bàn học, phòng học ở trường, cây cầu qua phố trên đường, hay các cảnh vật tự nhiên như tuyết, mưa, sấm, điện..

“Nhật ký trưởng thành” ở đây là ghi chép lại những sự việc mà mình ấn tượng sâu sắc nhất, ghi lại những lĩnh hội trưởng thành của bản thân. Ví dụ như: Hôm nay mình đã học được cách giặt quần áo; hôm nay mình biết cách quan tâm đến người khác...

Cha mẹ nên cho con cái ra ngoài đi thăm thiên nhiên tươi đẹp và cảm thụ về vẻ đẹp của thiên nhiên. Có thể tận dụng ngày nghỉ, ngày lễ tết để dẫn trẻ đi công viên hay đi chơi dã ngoại.

Cha mẹ cũng cần cho con đọc nhiều sách hơn. Hãy làm riêng một giá sách dành cho trẻ, mua một vài cuốn sách hay. Để trẻ có môi trường đọc sách tốt đẹp, nên hướng dẫn trẻ tuỳ bút ghi lại cảm tưởng của mình khi đọc sách, ghi lại một vài câu trích từ trong sách, từ đó làm phong phú thêm tri thức của trẻ.

Khi trẻ mới bắt đầu học cách viết nhật ký, cha mẹ nên tích cực động viên, khích lệ, khẳng định thêm ưu điểm ở trẻ. Cha mẹ nên thường xuyên tâm tình với trẻ, để trẻ mạnh dạn nói ra các suy nghĩ của bản thân, nên thường xuyên hỏi con xem có gặp phải khó khăn gì không.

Sự động viên khuyến khích và sự hướng dẫn của cha mẹ chính là “liều thuốc trợ tim” tốt nhất giúp trẻ kiên trì viết nhật ký mỗi ngày.

Một hình thức viết nhật ký mới là nhật ký điện tử, có thể tăng thêm nhiều hứng thú cho trẻ, bởi trẻ có thể chia sẻ kinh nghiệm viết trên mạng.

Tuy nhiên, không nên lạm dụng việc viết nhật ký trên mạng bởi những cuộc “bắt nạt trực tuyến” có thể làm tổn thương sâu sắc đến tâm lý của trẻ, thậm chí có thể khiến trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm nặng nề, từ đó, dẫn tới các hành vi tự hại nguy hiểm.

Về cơ bản, cha mẹ hãy xuất phát từ quan điểm là nhật ký của trẻ ghi lại những gì đã trải nghiệm, ghi lại những cảm nhận của trẻ để chọn lựa cách thức bồi dưỡng trẻ viết nhật ký mỗi ngày. Việc viết nhật ký thực sự sẽ có lợi cho trẻ trong suốt cuộc đời./.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kể chuyện mỗi ngày bằng nhật ký