Kết nối quá khứ và hiện tại

22/12/2023, 08:55
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngành Giáo dục và nhà trường có nhiều hành động thiết thực nhằm tri ân thương binh, liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ, gia đình có công với cách mạng.

Cùng đó, nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, các trường còn tổ chức hoạt động giúp học trò, giáo viên hiểu thêm truyền thống Bộ đội cụ Hồ.

Hiểu hơn quá khứ

Buổi sinh hoạt dưới cờ chủ điểm “Tiếp bước cha anh” là hoạt động ý nghĩa của thầy trò Trường Tiểu học Tràng An (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chào mừng kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Học sinh được tìm hiểu ý nghĩa, lịch sử ngày truyền thống và tham gia phần đố vui hấp dẫn với loạt câu hỏi xoay quanh chủ đề chương trình. Nhiều em đã trả lời đúng những câu hỏi về ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng một số kiến thức về nơi thành lập, người đặt tên, người chỉ huy Đội tuyên truyền giải phóng quân...

Cùng đó là các tiết mục văn nghệ sôi động do học sinh biểu diễn đem lại không khí tươi vui, rộn ràng. Các ca khúc “Chú bộ đội”, “Cháu thương chú bộ đội” được thể hiện bằng tình yêu, niềm tự hào.

Cô Trần Thị Bích Liên - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An chia sẻ: “Tiếp bước cha anh” là buổi sinh hoạt dưới cờ được tổ chức vào tháng 12 hằng năm hướng đến giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Từ đó, các em hiểu rõ hơn về lịch sử để biết ơn ông cha đã hy sinh cho độc lập, tự do Tổ quốc.

Còn cô Trần Lệ Khanh - Hiệu trưởng Trường THCS Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) cho biết: Nhân Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhà trường tổ chức lễ kỷ niệm, buổi gặp mặt giao lưu, tri ân các cựu chiến binh trên địa bàn. Tại đây, thầy trò nhà trường được nghe thành viên Hội Cựu chiến binh và Thanh niên xung phong phường kể về những ngày chống bom đạn, kỷ niệm sâu sắc về chiến công của đơn vị. Mỗi câu chuyện góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục, tạo sân chơi rèn luyện kỹ năng, giúp các em có thêm trải nghiệm thực tế.

Sau lễ kỷ niệm, Lê Phương Anh - học sinh lớp 9A2, Trường THCS Lĩnh Nam cho biết bản thân có thêm nhiều kiến thức về lịch sử, tự hào với truyền thống vẻ vang dân tộc. “Em và các bạn mãi biết ơn các anh hùng liệt sĩ, thương bệnh binh, cựu chiến binh, thanh niên xung phong - những người đã tận trung với nước, tận hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì Tổ quốc”, nữ sinh bày tỏ.

Học sinh Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tìm hiểu về lịch sử Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Vân Anh
Học sinh Trường Tiểu học Tràng An (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) tìm hiểu về lịch sử Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Ảnh: Vân Anh

Phát huy truyền thống

Theo thống kê, Hà Nội có 1.010 nhà giáo thuộc diện đối tượng chính sách. Khi đất nước hòa bình, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, những chiến sĩ - nhà giáo là thương binh, thân nhân liệt sĩ đều vượt lên mọi hoàn cảnh, nỗi đau thân thể, di chứng chiến tranh để tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Trong những năm qua, ngành GD-ĐT Hà Nội luôn quan tâm công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chính sách hậu phương quân đội, góp phần sẻ chia phần nào đau thương, mất mát do chiến tranh gây ra, tri ân các thế hệ nhà giáo, những người có công trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Hằng năm, dịp Tết Nguyên đán, ngành Giáo dục Thủ đô tổ chức gặp mặt và tặng quà các nhà giáo là vợ, học sinh là con các chiến sĩ đang công tác tại biển đảo. Đây là hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm động viên vợ, con các chiến sĩ đang thực hiện nhiệm cao cả Tổ quốc giao phó.

Cùng đó, mỗi dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, Ngày Thương binh, liệt sĩ, ngành Giáo dục và các nhà trường lại tổ chức gặp mặt, giao lưu, tặng quà cựu chiến binh, học sinh và giáo viên là thân nhân thương binh liệt sĩ, gia đình có công với cách mạng, người thân của chiến sĩ bộ đội đang công tác.

Nhà giáo Nguyễn Chí Dũng - nguyên Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học, Sở GD&ĐT Hà Nội từng có nhiều năm tháng chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Với bản lĩnh “thương binh tàn nhưng không phế”, khi hòa bình lập lại, ông đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ; lúc hết tuổi công tác về sinh hoạt tại khu dân cư, ông luôn nhiệt tình tham gia các hoạt động cũng như thực hiện đầy đủ trách nhiệm xã hội của mình.

Nhà giáo Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngành Giáo dục luôn quan tâm đến các gia đình chính sách. Mỗi dịp kỷ niệm, ông luôn nhận được những món quà đến từ Sở GD&ĐT Hà Nội cùng lời chúc sức khỏe, động viên từ đồng nghiệp. Đây là động lực giúp ông tiếp tục phấn đấu và cống hiến.

Cô Vũ Thị Phượng - giáo viên Trường THCS Gia Thụy (Long Biên, Hà Nội) có bố đẻ và chồng là liệt sĩ bày tỏ cảm ơn đến nhà trường và các cấp đã luôn động viên. Trong cuộc sống, phát huy truyền thống vẻ vang của gia đình, cô luôn nỗ lực nuôi dạy hai con ngoan ngoãn, học giỏi; là người con hiếu thảo, nhà giáo mẫu mực, hoàn thành nhiệm vụ với thành tích xuất sắc.

“Thời gian qua, ngành Giáo dục Thủ đô cùng các nhà trường tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” và việc làm thiết thực tri ân các nhà giáo thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ. Mong rằng hoạt động này sẽ tiếp tục duy trì thời gian tới”. - Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Kết nối quá khứ và hiện tại