Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở vùng khó Quảng Trị (kỳ 2)

Đăng Đức | 21/09/2022, 14:30
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Bên cạnh việc thiếu giáo viên, hiện cơ sở vật chất tại nhiều trường chưa đáp ứng đủ, gây khó khăn cho triển khai dạy môn Tiếng Anh và Tin học.

“Mỗi khi lên lớp, giáo viên phải mang máy tính cá nhân và các thiết bị khác để kết nối phục vụ việc dạy học nên rất bất tiện. Không có máy tính nên học sinh không có thiết bị để thực hành”, cô Nguyễn Thị Tân Diện nói.

Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở vùng khó Quảng Trị (kỳ 2) ảnh 3
Tại trường Tiểu học Thuận, giáo viên sử dụng máy tính cá nhân kết nối với tivi để dạy học.

Thầy giáo Nguyễn Hoành, phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thuận cho biết, tổng số học sinh của toàn trường là 445 em, với 23 lớp. Ngoài trường ở khu vực trung tâm còn có điểm trường tại bản 1, bản 2 và bản 4.

Thực hiện chương trình GDPT 2018, nhưng hiện cơ sở vật chất của nhà trường vẫn thiếu nhiều, chưa đáp ứng nhu cầu dạy học. Đặc biệt, tại điểm trường bản 4 có 3 phòng học phải mượn nhà sinh hoạt cộng đồng để phục vụ giảng dạy.

“Năm học 2022-2023, môn Tin học và Tiếng Anh là môn học bắt buộc với học sinh lớp 3, nhưng cơ sở vật chất đối với 2 môn này đang rất thiếu. Đặc biệt, với môn Tin học, hầu hết các điểm trường xa trung tâm chưa có phòng máy nên các giáo viên tạm sử dụng máy tính cá nhân liên kết với tivi để kết nối dạy học. Tình trạng thiếu về cơ sở vật chất đã phần nào ảnh hưởng đến việc triển khai giảng dạy theo chương trình mới”, thầy Hoành cho hay.

Bước vào năm học 2022-2023, với yêu cầu đảm bảo việc dạy học theo chương trình GDPT 2018, nhưng Trường Tiểu học và THCS A Dơi (huyện Hướng Hóa), đối diện với không ít khó khăn, thiếu hụt về cơ sở vật chất.

Hiện nhà trường còn thiếu 3 phòng học nữa mới đáp ứng yêu cầu dạy 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, trường cũng gặp khó khăn khi triển khai giảng dạy môn Tin học.

Thầy giáo Hồ Sỹ Chẩm, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS A Dơi cho biết, năm học này, môn Tin học và Tiếng Anh trở thành những môn học bắt buộc trong chương trình. Thế nhưng, ngoài điểm trường trung tâm được trang bị đầy đủ phòng máy, thì các điểm còn lại chưa được trang bị máy tính. Những điểm trường này cách điểm trung tâm rất xa nên không thể dồn học sinh lại để dạy học.

“Trước những khó khăn nói trên, nhà trường đã tham mưu với địa phương, Phòng GD&ĐT để đề xuất cấp trên quan tâm đầu tư, đảm bảo việc dạy học theo kế hoạch”, thầy Chẩm cho hay.

Theo ông Hoàng Văn Sơ, phó Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Hướng Hóa, Phòng GD&ĐT đã động viên, khuyến khích các giáo viên tham gia giảng dạy và huy động nguồn lực xã hội. Đặc biệt, đối với môn Tin học, đơn vị chỉ đạo các trường có máy tính và phương tiện khác hỗ trợ dạy học cho các em trong năm học này, đảm bảo tất cả học sinh lớp 3 được học môn Tin học và Tiếng Anh.

Với phương tiện dạy Tin học ở các điểm trường, Phòng GD&ĐT kêu gọi, vận động các tổ chức, đơn vị có máy tính đã qua sử dụng hỗ trợ; mặt khác, chỉ đạo các trường dành nguồn kinh phí, đảm bảo các điểm trường có 1 đến 2 máy tính bàn và huy động các dụng cụ bàn phím để học sinh làm quen.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien-o-vung-kho-quang-tri-ky-2-post608675.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khac-phuc-tinh-trang-thieu-giao-vien-o-vung-kho-quang-tri-ky-2-post608675.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở vùng khó Quảng Trị (kỳ 2)