Khai mạc Diễn đàn Việt Nam về Ngân hàng và Tài chính năm 2022

Nhật Hạ | 27/10/2022, 19:48
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Diễn đàn Việt Nam về Ngân hàng và Tài chính nhằm tăng cường trao đổi, hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Ngày 27/10, tại Học viện Ngân hàng đã diễn ra lễ khai mạc Diễn đàn Việt Nam về Ngân hàng và Tài chính năm 2022 (VSBF 2022). Đây là một diễn đàn học thuật chuyên sâu về lĩnh vực tài chính – ngân hàng được Học viện Ngân hàng tổ chức định kỳ hàng năm. 

Tạo môi trường học thuật có tính trao đổi

Phát biểu tại đây, TS Bùi Hữu Toàn - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Ngân hàng nhấn mạnh, năm 2022 là lần thứ 7 Diễn đàn Việt Nam về Ngân hàng - Tài chính được tổ chức. Mục tiêu nhằm tạo ra sự kiện mang tính học thuật để các chuyên gia, học giả, nhà làm thực tiễn có thể trình bày kết quả nghiên cứu và thảo luận về các thách thức trong lĩnh vực Ngân hàng, Tài chính, tiền tệ, kinh tế vĩ mô...

Ngoài ra, diễn đàn cũng là cơ hội quan trọng để các học giả Việt Nam góp phần nâng cao năng lực nghiên cứu của các cơ sở trong nước thông qua trao đổi ý tưởng, hợp tác, thực hiện các dự án nghiên cứu với các đồng nghiệp trên toàn thế giới. Diễn đàn năm nay được tổ chức trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang trải qua những thay đổi mạnh mẽ, nhất là sau dịch Covid-19. Dù hầu hết các hoạt động kinh tế đã trở lại bình thường, nhưng các ảnh hưởng từ đại dịch vẫn còn hiện hữu. 

Thời gian qua, nhằm ứng phó với đại dịch và phục hồi kinh tế, các chuyên gia kinh tế thế giới đã thực thi chính sách tiền tệ nới lỏng. Chính điều đó cộng với một số nguyên nhân khách quan đã khiến tình trạng lạm phát gia tăng ở nhiều nước. Do đó, nhiều quốc gia đã phải tăng lãi suất, thực thi chính sách tiền tệ thắt chặt để kiểm soát lạm phát nhưng lại ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của các nền kinh tế. 

Ngoài ra, dịch bệnh Covid-19 vừa qua đã khiến giai đoạn vừa qua trở thành thời kỳ chuyển đổi số mạnh mẽ. Chúng ta đã và đang chứng kiến nhiều thành tựu, những đột phá về công nghệ trong mọi khía cạnh của đời sống. Ngành Tài chính - Ngân hàng cũng không phải ngoại lệ với sự phát triển của các dịch vụ ngân hàng, tài chính số. Sự phát triển này được kỳ vọng sẽ mang đến những thay đổi tích cực cho hoạt động của ngành Tài chính - Ngân hàng trên thế giới nói chung, tại Việt Nam nói riêng... 

nganhang-2.jpg
GS.TS Nguyễn Đức Khương - Phó Giám đốc phụ trách Nghiên cứu, Trường Kinh doanh IPAG (Pháp) chia sẻ ý kiến tại diễn đàn.

Diễn đàn sẽ được tổ chức trong các ngày từ 27 đến 29/10. Trong thời gian diễn ra sự kiện, các đại biểu tham dự sẽ cùng nhau trao đổi và thảo luận về các chủ đề thuộc lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng.

Trong đó có: Quản trị doanh nghiệp, tài chính doanh nghiệp, định giá và phân bổ tài sản, quản trị danh mục đầu tư và rủi ro, tài chính hành vi, tính hiệu quả của thị trường, thị trường tài chính ở các quốc gia mới nổi, tài chính bền vững, thị trường vốn trong bối cảnh hội nhập, liên kết tài chính và kinh tế vĩ mô, điều tiết hoạt động ngân hàng, công nghệ tài chính...

Diễn đàn được tổ chức với 45 phiên thảo luận, gồm 3 phiên tổng thể, 42 phiên song song với 135 báo cáo được lựa chọn trình bày, giới thiệu. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kỳ vọng rằng những chia sẻ, trao đổi trong các phiên chuyên đề của VSBF 2022 sẽ mang lại những đóng góp thiết thực cho công tác điều hành của ngân hàng trung ương và hoạt động của ngành ngân hàng.

Toàn ngành Ngân hàng cần nắm bắt cơ hội từ tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 cũng như vượt qua thách thức do đại dịch Covid-19 gây ra. Mục tiêu nhằm nâng cao sức cạnh tranh, rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển của ngành ngân hàng tại Việt Nam so với khu vực và trên thế giới.

Những con số biết nói

nganhang-3.jpg
Đây là lần thứ 7 Diễn đàn Việt Nam về Ngân hàng - Tài chính được tổ chức.

Học viện Ngân hàng là trường công lập trực thuộc Ngân hàng Nhà nước và Bộ GD&ĐT. Thành lập từ năm 1961, trải qua hơn 60 năm xây dựng và phát triển, Học viện Ngân hàng đã trở thành cơ sở giáo dục đại học đa ngành, có uy tín, luôn chú trọng phát triển hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH). Với sự nỗ lực không ngừng của thầy và trò, hoạt động NCKH của nhà trường đạt được nhiều thành tích nổi bật, tạo đà cho sự phát triển phong trào NCKH toàn Học viện.

Trong giai đoạn 2015-2022, Học viện Ngân hàng đã trúng thầu và được giao chủ trì 321 nhiệm vụ KH&CN các cấp. Trong đó có 4 nhiệm vụ KH&CN cấp quốc gia đã hoàn thành; 4 nhiệm vụ tương đương cấp quốc gia; 45 nhiệm vụ cấp Ngành, Bộ của Nân hàng Nhà nước; 258 nhiệm vụ cấp cơ sở và 10 nhiệm vụ thực hiện cùng các đơn vị thực tiễn.

Số lượng và chất lượng các bài viết đăng tạp chí và kỷ yếu hội thảo của Học viện Ngân hàng gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt Học viện Ngân hàng đã có nhiều bài báo đăng tạp chí quốc tế uy tín và nhiều bài kỷ yếu tại các hội thảo khoa học cấp quốc tế, quốc gia. Trong cả giai đoạn, Học viện Ngân hàng công bố 2.385 bài báo và 3.609 bài kỷ yếu.

Ngoài ra, một điểm nổi bật trong giai đoạn 2015-2022 của Học viện Ngân hàng là đã tổ chức thành công 40 hội thảo, tọa đàm quốc tế và quốc gia, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Học viện trong lĩnh vực KH&CN.

Đặc biệt, trong 3 năm vừa qua Học viện Ngân hàng đã thường xuyên phối hợp với Hiệp hội các nhà khoa học và chuyên gia Việt Nam toàn cầu đồng tổ chức Diễn đàn tại Việt Nam về Ngân hàng và Tài chính, thu hút hàng trăm nhà khoa học trong nước và nước ngoài tham dự hàng năm.

Bài liên quan
Nobel Kinh tế 2022 vinh danh nghiên cứu về ngân hàng và khủng hoảng tài chính
Nghiên cứu về các ngân hàng và khủng hoảng tài chính đã đem về giải Nobel Kinh tế cho 3 nhà kinh tế học Mỹ: Ben S. Bernanke, Douglas W và Philip H. Dybvig.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khai mạc Diễn đàn Việt Nam về Ngân hàng và Tài chính năm 2022