Năm học 2024 - 2025 là thời điểm Chương trình GDPT 2018 phủ kín các khối lớp.
Chương trình GDPT 2018 với cách tiếp cận khác biệt căn bản so với Chương trình GDPT 2006, là tiền đề quan trọng để thực hiện mục tiêu tạo chuyển biến căn bản, toàn diện chất lượng GDPT, đó là chuyển từ chương trình định hướng nội dung sang phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Để thực hiện điều này, vai trò tự chủ của nhà trường, giáo viên được tăng cường, đẩy mạnh; thể hiện trong việc chủ động xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục nhằm khai thác tối đa thế mạnh từng trường.
Kế hoạch giáo dục nhà trường gồm kế hoạch thời gian thực hiện chương trình (phân phối chương trình) do hiệu trưởng tổ chức xây dựng, ban hành; kế hoạch giáo dục của tổ chuyên môn do các tổ chuyên môn xây dựng; kế hoạch giáo dục của giáo viên và kế hoạch bài dạy (giáo án) do giáo viên được phân công dạy học môn học ở các khối lớp xây dựng.
Kế hoạch này được Hội đồng trường phê duyệt theo quy định, báo cáo phòng GD&ĐT (đối với trường THCS) và sở GD&ĐT (đối với trường THPT). Các hoạt động chỉ đạo, kiểm tra, thanh tra của cấp trên phải dựa trên kế hoạch giáo dục của nhà trường.
4 năm triển khai Chương trình GDPT 2018, căn cứ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT đã chủ động chỉ đạo cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương; vừa đảm bảo tính khoa học, sư phạm, vừa đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình mới.
Sau những bỡ ngỡ ban đầu, hiện hầu hết cơ sở giáo dục đã quen và chủ động trong xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường; phân công, bố trí giáo viên; tận dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện có để triển khai Chương trình GDPT 2018.
Đáng chú ý, việc phân công giáo viên và tổ chức dạy học môn học mới đã từng bước khắc phục được khó khăn; xếp thời khóa biểu linh hoạt hơn, phù hợp chuyên môn của giáo viên, bảo đảm định mức giờ dạy/tuần.
Các trường cũng chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong thực hiện chương trình.
Công tác phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương khi thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường được chú trọng...
Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường còn tồn tại một số hạn chế. Theo đó, kế hoạch giáo dục tổ chuyên môn chưa thể hiện được hệ thống trang thiết bị dạy học của cơ sở giáo dục; việc thể hiện các chủ đề STEM, liên môn chưa rõ nét; xây dựng kế hoạch tổ chức các hoạt động giáo dục chưa thực sự chú trọng và phù hợp với chương trình môn học. Cùng đó, kế hoạch giáo dục cá nhân, kế hoạch bài dạy còn mang tính hình thức, chưa thể hiện được các điều kiện tổ chức dạy học…
Năm học 2024 - 2025 là thời điểm Chương trình GDPT 2018 phủ kín các khối lớp, cũng là lần đầu tiên triển khai kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT theo Chương trình GDPT 2018.
Hiện nay, dù học sinh chưa tựu trường nhưng nhiều cơ sở giáo dục đã bàn thảo, lên kế hoạch xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường nhằm triển khai tốt nhất nhiệm vụ năm học với tính đặc thù là điểm cuối, đồng thời mở đầu một lộ trình đổi mới.
Kế hoạch được xây dựng cần phù hợp với nguồn lực hiện có (đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học), đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh. Thời gian thực hiện chương trình bảo đảm tính khoa học, sư phạm, linh hoạt, không gây áp lực đối với học sinh; phát huy tính chủ động, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện chương trình…
Đặc biệt, cần chú trọng triển khai đối với lớp 9, lớp 12 bảo đảm chất lượng để chuẩn bị tốt cho các em tham gia kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, thi tốt nghiệp THPT theo chương trình mới.