Những đường bờ biển xinh đẹp bởi dải cát vàng lấp lánh thì giờ trơ trơ những khối bê tông là khách sạn, nhà nghỉ: “Hàng kilômet bờ biển biến thành các khối bê tông xấu xí; cát và rặng san hô bị khai thác cạn kiệt làm vật liệu xây dựng”.
Vùng nước biển trong xanh mà mọi người luôn mong muốn được vùng vẫy trong những ngày nóng nực, lại ngập ngụa rác thải: “Hãy nhìn lại xem bạn đang bơi trong thứ nước gì? Nước biển xanh “lẽ” vì con người vẫn tống thẳng nước và rác thải xuống biển. Đúng vậy đấy. Và càng đông khách có nghĩa là càng có nhiều chất thải. Bạn còn muốn tắm nữa không?”. Gọi thực trạng này là “Tắm rác”, tác giả đặt câu hỏi với độc giả như thế.
Hay một số hòn đảo không may trở thành nơi thử nghiệm vũ khí hạt nhân như hòn đảo san hô vòng Bikini vào năm 1946 đã hủy hoại toàn bộ hệ sinh thái ở đây.
Đó còn là thực trạng Trái đất ngày càng trở nên ô nhiễm, khiến mực nước biển dâng lên và đe dọa tới sự an toàn của các hòn đảo có độ cao ngang mực nước biển. Chỉ cần mực nước biển dâng lên 50cm là đủ để nhấn chìm rất nhiều hòn đảo và ảnh hưởng tới cây trồng, cũng như nguồn nước ngọt trên đất liền.
Thật may mắn, giờ đây con người đã nhận thức được phần nào hậu quả của những việc làm do chính mình gây ra và từng ngày, từng giờ cố gắng làm mọi cách để khắc phục những hậu quả ấy.
Rất nhiều người đã lên tiếng kêu gọi ngừng mọi hoạt động gây ảnh hưởng tới môi trường, giúp ngăn chặn sự “chìm dần” của các hòn đảo. Hay những đảo như Galapagos hay Komodo giờ đây trở thành khu bảo tồn quốc gia để có thể bảo vệ hệ sinh thái độc đáo của chúng.
Với tác phẩm “Đảo hoang”, tác giả Anita Ganeri đã cung cấp tới bạn đọc vô số thông tin thú vị và bổ ích về những hòn đảo trên khắp thế giới bằng những câu chuyện ngắn gọn lồng đối thoại cùng các minh họa sinh động, dễ thương.
Từ những thông tin ấy, tác giả đã gửi tới thông điệp về việc bảo vệ môi trường ở những hòn đảo, để bao hình ảnh đẹp về chúng vẫn được gìn giữ nguyên vẹn theo thời gian tới thế hệ mai sau.