Thiết bị điều khiển từ xa Deep Discoverer khám phá miệng phun thủy nhiệt ở Chamorro Seamount, nằm ở phía Tây Rãnh Mariana. Ảnh: Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.
Tuy nhiên, Challenger Deep thậm chí còn sâu hơn khi nằm trong vùng biển khơi tăm tối (hadal zone). Khu vực này được đặt tên theo thần Hades trong thần thoại Hy Lạp - vị thần cai quản địa ngục.
Vùng biển khơi tăm tối là một trong những môi trường sống ít được khám phá nhất trên Trái Đất. Ở độ sâu có thể khiến thịt nát xương tan này không có ánh sáng mặt trời và từng được cho là không gì có thể tồn tại được. Tuy nhiên, niềm tin đó đã bị bác bỏ.
"Thậm chí ở dưới đáy đại dương, sự sống vẫn tồn tại. Năm 2005, các sinh vật đơn bài được gọi là trùng lỗ - một loại sinh vật phù du đã được phát hiện ở Challenger Deep", Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho hay.
Ngoài ra, ở Challenger Deep còn có những mỏm đá đầy màu sắc và hải sâm.
Hàng loạt núi lửa bùn dưới đáy biển và các miệng phun thủy nhiệt ở Rãnh Mariana đã hỗ trợ cho các dạng sống bất thường này. Bất chấp nước nóng và có nồng độ axit cao từ các miệng phun thủy nhiệ trong các núi lửa bùn, các sinh vật này vẫn có thể tồn tại.
Không có ánh sáng mặt trời, thay vào đó các sinh vật hưởng lợi từ dòng nước giàu dinh dưỡng từ các miệng phun thủy nhiệt.
Đáy biển vẫn là một trong những nơi bí ẩn nhất vũ trụ. Trên thực tế, chúng ta biết rõ về bản đồ Mặt trăng và sao Hỏa hơn là bản đồ chính hành tinh của chúng ta. Mặc dù con người đã khám phá đại dương từ hàng chục nghìn năm nhưng chỉ khoảng 20% đáy biển được lập bản đồ.
Với sự quan tâm lớn đến Rãnh Mariana, các nhà nghiên cứu đã có một vài nỗ lực để có bức tranh cụ thể hơn về những đặc điểm của nó. Tuy nhiên, việc này không hề dễ dàng: Do sự rộng lớn và độ sâu của khu vực đáy biển, các nhà khoa học phải dựa vào công nghệ để có bức tranh đầy đủ về nó.
Hiện nay, với các công nghệ và thiết bị đang cải thiện không ngừng, độ sâu ước tính của Challenger Deep được cập nhật gần đây nhất là 10.935 mét vào năm 2021.
Nguồn: CNN