Triển lãm được chia theo 3 chủ đề: Trang phục hoàng gia, trang phục quan lại - binh lính và trang phục cho các tân khoa.
Đối với văn hóa cung đình, sự phân chia đẳng cấp được quy định chặt chẽ, do đó chế độ Y quan cũng có luật lệ riêng. Y quan hoàng cung triều Nguyễn phân theo thứ bậc: Đế, hậu, hoàng tử, công chúa, tôn thất và chi tiết đến từng yếu tố như chất liệu vải, màu sắc, kiểu dáng, họa tiết trang trí, số lượng y phục, vật liệu trang sức đi kèm.
Trang phục hoàng cung có nhiều loại, mỗi loại có tên gọi, màu sắc, công năng riêng và được diện vào những dịp cụ thể: Trang phục đại triều, trang phục thường triều, trang phục nghi lễ, thường phục, trang phục theo mùa.
Giới nghiên cứu cho biết, trang phục hoàng cung không chỉ thể hiện sự thống nhất, tập trung của triều đình nhà Nguyễn, mà còn là sự kế thừa văn hóa đặc trưng của các triều đại trước đó.
Dưới triều Nguyễn, quy chế triều phục của quan lại cũng được phân cấp rất rõ ràng. Tùy theo phẩm hàm mà quan viên văn võ được nhà vua ban triều phục đại triều và thường triều. Triều phục đại triều được cấp cho quan võ tam phẩm, quan văn lục phẩm trở lên, các bậc quan còn lại chỉ được cấp thường triều.
Quan văn đội mũ phốc đầu dáng tròn, quan võ đội mũ phốc đầu dáng vuông. Các cấp bậc của quan lại triều Nguyễn được phân biệt qua màu sắc áo, các chi tiết hoa văn trên áo, đai, bổ tử và mũ (mão).
Đa số binh lính nhà Nguyễn đều đội nón, đi chân đất. Sự phân biệt các hạng lính chủ yếu ở hạng mũ, áo. Theo đó áo mặc là áo song khai, cài khuy, xẻ vạt trước sau, vai áo có viền mây bao quanh. Việc phân cấp phẩm phục thể hiện tính tôn ti, thứ bậc của quan lại, cũng chính là tôn ti trật tự của xã hội.
Các vua triều Nguyễn rất coi trọng việc chiêu hiền đãi sĩ. Những người đỗ đạt ở các kỳ thi, ngoài việc được dựng bia lưu danh, còn được thiết yến, ban thưởng lụa là, vàng bạc, vinh qui bái tổ, bổ nhiệm chức quan. Bên cạnh đó, triều Nguyễn cũng có chế độ ban thưởng phẩm phục và trâm hoa cho tân khoa đạt học vị Tam khôi: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa.
“Việc chế định triều phục là để tỏ rõ người mặc là người có đức. Xưa nay các quan văn võ được ban cấp phẩm phục triều theo chế định… Tuy vậy trong hàng quan lại có người do chức dịch được ban cấp phẩm phục có giá trị hơn phẩm hàm; lại có người cùng phẩm hàm không được phẩm phục như thế. Vì như thế nên chế định không phù hợp với phẩm cấp nên phải một lần phải định lại cho xong để sáng tỏ phẩm hàm và tăng vẻ tôn nghiêm nơi triều nghi”.
- Chỉ dụ năm Thiệu Trị thứ 5 (1845)
Tài liệu được chọn trưng bày tại triển lãm thể hiện tư tưởng đề cao việc học, tôn trọng nhân tài và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Triển lãm cũng có khoảng 50 văn bản tài liệu Hán Nôm thuộc khối “Châu bản triều Nguyễn” - Di sản tư liệu thế giới lần đầu tiên được công bố, và nhiều hiện vật hấp dẫn về chủ đề quan phục triều Nguyễn.