Xét cho cùng, thì đây là một câu chuyện buồn của văn hoá – đáng đặt lên bàn cân để đong đếm được – mất, hơn – thua. Nó giống với câu chuyện “hai giá” vào thập niên những năm 90, khi vé cho tây khác với vé cho ta.
Cổ phục, hay áo dài truyền thống là một nét văn hoá đã và đang được ngành văn hoá và các địa phương khuyến khích nhằm nêu cao ý thức tự tôn. Nét áo dài cũng đang được trình diễn tại Triển lãm Thế giới tại Dubai, nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam với bạn bè thế giới.
Thế nhưng nghịch lý là ở đây, mặc cổ phục áo dài lại bị cho là “trang phục có đầu tư” với mục đích chụp ảnh để phải mua thêm vé và mất thêm tiền. Thế thì Việt Nam sẽ quảng bá văn hoá thế nào, tôn vinh cổ phục, áo dài truyền thống ra sao?.
Trong thời đại số, kể cả việc mặc trang phục truyền thống để chụp ảnh thì bảo tàng cũng không nên có “vé riêng”. Sự lan toả từ các bộ ảnh cổ phục là một trong những yếu tố truyền thông để ngày càng nhiều người hướng về cội nguồn, tôn vinh văn hoá dân tộc.
Nếu còn coi áo dài là văn hoá, nếu còn cần tôn vinh trang phục truyền thống – thì có lẽ Bộ VH-TT&DL nên làm việc với Bảo tàng TP HCM, cũng như các đơn vị văn hoá trên toàn quốc về vấn đề này.
Nếu đã có sự khác biệt giữa trang phục bình thường và trang phục truyền thống, tại sao không ưu ái miễn phí vé tham quan lẫn vé chụp ảnh cho những người có công lan toả nét đẹp văn hoá dân tộc?.
Họ đã bỏ tiền “đầu tư” cho văn hoá mà còn bắt trang phục truyền thống phải chịu “sưu cao thuế nặng”. Thế thì thà bỏ truyền thống, mặc thường phục cho bớt nhiễu nhương.