Cây hồng cổ “lật mặt” văn hoá sính ngoại

Trần Hoà | 14/12/2021, 10:10
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngoài những bức ảnh đẹp , thì việc mặc trang phục hanbok cũng chứng tỏ cây hồng cổ có sức mạnh "lật mặt" văn hoá sính ngoại của giới trẻ.

Từ đầu tháng 12, cây hồng cổ ở thôn Khê Hạ, xã Ninh Xuân (Hoa Lư - Ninh Bình) bất ngờ nổi tiếng, mỗi ngày có hàng trăm người kéo đến chụp ảnh. 

Chuyện đó không có gì lạ, vì cảnh đẹp mà thu hút khách tham quan là tin vui cho gia chủ lẫn vùng đất du lịch cố đô Hoa Lư.

Thế nhưng, cây hồng cổ biết “lật mặt” văn hoá, nó phản ánh rõ tâm lý sính ngoại văn hoá của người Việt.

Giới trẻ Việt tìm đến cây hồng cổ, họ khoác lên mình trang phục truyền thống Hàn Quốc – hanbok để chụp những bộ ảnh kỷ niệm.

van-hoa-sinh-ngoai-2.jpg
Cây hồng cổ “lật mặt” văn hoá sính ngoại

Với hàng trăm lượt người mỗi ngày, đa số họ đều chọn trang phục hanbok của Hàn Quốc, rất ít và rất hiếm có bạn trẻ chọn trang phục truyền thống khăn xếp, áo the hay áo dài truyền thống để làm dáng dưới bóng cây hồng.

Chuyện mặc gì để chụp thực ra là quyền của mỗi người, không ai bắt hay ép buộc phải mặc trang phục này, từ bỏ trang phục kia. Thế nhưng, chuyện cây hồng ở cố đô Hoa Lư đã nói rất rõ câu chuyện văn hoá về xứ sở mình, về tâm lý sính ngoại văn hoá.

Việt Nam và đa số các nước đều lựa chọn xây dựng - phát triển nền văn hoá đậm đà bản sắc. Đó là “sức mạnh mềm” của một quốc gia, là bản lĩnh, sự tự tin và tự tôn dân tộc. Trang phục truyền thống là một trong những yếu tố quan trọng cấu thành nét văn hoá đậm đặc đó.

Chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh đại diện cho người phụ nữ Việt Nam, không chỉ tôn vinh nét duyên dáng mà còn là phương tiện quảng bá văn hoá dân tộc. Áo dài truyền thống Việt Nam kiêu sa đến nỗi, một số tổ chức nước ngoài từng cố tình mạo nhận nhằm mục đích “chiếm dụng văn hoá”.

van-hoa-sinh-ngoai-1.jpg
Văn hoá sính ngoại khiến giới trẻ mặc hanbok Hàn Quốc mà bỏ qua trang phục truyền thống.

Thế nhưng thật buồn, tại chính trên đất nước mình, nét truyền thống đã bị bỏ qua. Thay vào đó là văn hoá xa lạ.

Dư luận cho rằng, sính ngoại, thích sang nước ngoài, dùng hàng hoá ngoại quốc đã sâu rễ bền gốc trong tâm lý một bộ phận giới trẻ chạy theo xu hướng “sang chảnh”. Nhận xét đó có thể đúng, tuy nhiên lối sống đó không hề đáng trách. Nhưng từ bỏ văn hoá truyền thống, khoác lên mình văn hoá lai căng thì là một vấn đề nan giải cần bàn tới.

Tại sao người Việt sẵn sàng khoác lên bộ hanbok – trang phục truyền thống của Hàn Quốc? Điều này chứng tỏ, Hàn Quốc đã thành công trong việc truyền bá văn hoá truyền thống trên đất nước Việt Nam. Những bộ phim ngôn tình đã lấy đi bao nước mắt và nỗi niềm khắc khoải của giới trẻ Việt. Một bộ phận người trẻ ăn – ngủ đều nghĩ đến phim Hàn. Họ dán kín bức tường ảnh chụp các thần tượng, và thậm chí lao vào hôn chiếc ghế mà thần tượng vừa ngồi vào.

Các hoa hậu thường diện trang phục áo dài khi lưu diễn hoặc thi thố ở nước ngoài. Hình ảnh áo dài mấy ngày qua cũng đang tràn ngập khoe duyên tại tại Triển lãm thế giới Expo Dubai.

Thế nhưng dưới bóng hồng cổ thụ ở cố đô Hoa Lư, hình ảnh những cô gái Việt diện hanbok vẫn để lại trong chúng ta những băn khoăn khó lý giải về ý thức và lòng tự tôn dân tộc.

Bài liên quan
Chiêm ngưỡng Hoàng thành Thăng Long - Di sản văn hóa thế giới
(GDTD) - Hoàng thành Thăng Long là quần thể kiến trúc đồ sộ được xây dựng bởi nhiều triểu đại. Đây là di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam. Năm 2010, UNESCO công nhận nơi đây là Di sản văn hóa thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cây hồng cổ “lật mặt” văn hoá sính ngoại