Lan toả giá trị nguồn cội
Họa sĩ Nguyễn Hoàng Tấn chia sẻ, quá trình nghiên cứu để chắt lọc thông tin về các loại hình nghệ thuật dân gian gặp khá nhiều khó khăn. Đặc biệt là tính xác thực của từng loại hình nghệ thuật đối với hoa văn họa tiết của các phục trang truyền thống.
Với vai trò là hoạ sĩ thiết kế, Hoàng Tấn phải chọn phong cách phù hợp để tiếp cận với người trẻ. Khi đã chọn lọc qua nhiều lớp tạo hình để có diện mạo cuối cùng, việc cân chỉnh và hài hòa bố cục cũng rất quan trọng sao cho nhịp nhàng các yếu tố, từ nhạc cụ, trang phục, động tác hay tín ngưỡng…
Để lan toả giá trị truyền thống, Triều Giang bắt tay vào việc biên dịch nội dung sang tiếng Anh. Các thuật ngữ dân gian như “đào”, “kép”, “trống chầu” hoặc tên loại nhạc cụ chỉ có ở Việt Nam đòi hỏi cô phải dành nhiều thời gian, công sức tìm từ phù hợp để người bạn bè nước ngoài dễ hình dung.
Quá trình biên dịch, Giang đã phát hiện và hiệu chỉnh những từ tiếng Anh bị hiểu sai nhưng lại được dùng khá phổ biến hiện nay. Điển hình như “Đờn ca tài tử” được Google dịch thành “southern amateur music”, trong khi phải hiểu đúng “tài tử” chỉ “những người có tài năng, tài nghệ” nên phải thay bằng “music of talents” (âm nhạc của người tài năng) thì sẽ gần nghĩa hơn.
Tuy nhiên, nhóm vẫn ưu tiên dùng nguyên từ “Đờn ca tài tử” là tên riêng như cách UNESCO đã dùng, để tạo dấu ấn Việt Nam giống như bánh mì hay phở.
Bằng những dòng thông tin gắn gọn, dễ hiểu và dễ nhớ kết hợp với hình minh hoạ sinh động, nhóm bạn trẻ đã tạo ra “Gánh hát lưu diễn muôn phương” đậm đặc tính văn hoá.
Như Sân khấu Dù kê, nhóm Hồ Phương Thảo ghi chú: Nghệ thuật Sân khấu Dù kê (L’khôn Ba Sắc) là một loại hình biểu diễn sân khấu của người Khmer có sự tổng hòa các loại hình nghệ thuật, như: ca, múa, nhạc, ca kịch, phục trang, hóa trang, lễ hội, vũ thuật, hội họa và ẩm thực.
Sân khấu Dù kê là sự kế thừa nền nghệ thuật sân khấu Khmer trước đó (nghệ thuật Rô băm), đồng thời tiếp thu một cách có chọn lọc và sáng tạo những thành tựu của nghệ thuật sân khấu của người Kinh, Hoa, phương Tây. Nghệ thuật sân khấu Dù Kê của Tỉnh Sóc Trăng được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014.
Hay như phần “Hội Gióng”, nhóm đề “là một lễ hội dân gian truyền thống hằng năm tồn tại đã hơn 1000 năm, diễn ra ở khoảng hơn 10 địa phương tại Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam”.
Gần đây, ngoài nhóm của Hồ Phương Thảo đã xuất hiện khá nhiều các bạn trẻ yêu mến truyền thống tìm về nguồn cội bằng các dự án văn hoá. Như ba sinh viên trường ĐH FPT Cần Thơ phỏng dựng trang phục của 54 dân tộc bằng dự án sách và công nghệ thực tế ảo. Hay như sinh viên Nguyễn Phương Vy (ĐH Mỹ thuật TP HCM) phỏng dựng hát Bội trên bảng chữ cái.
“Tìm hiểu, thưởng thức các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống là một hành trình tìm về nguồn cội mà mỗi người sẽ có những suy nghĩ, cảm nhận riêng. Trong tương lai, nhóm mong muốn sẽ lan tỏa được giá trị nhân văn của cuốn sách tới nhiều người và đưa dự án lên nhiều nền tảng khác nhau”. - Hồ Phương Thảo.