Mâm cúng chúng sinh
Trong dịp rằm tháng 7, nhiều gia đình cũng làm lễ cúng chúng sinh. Theo truyền thống lễ này thường thực hiện vào chiều tối ngày 14/7 hoặc ngày 15/7 âm lịch.
Cúng chúng sinh là một trong những lễ cúng thể hiện giá trị nhân văn của người Việt. Tổ chức lễ cúng chúng sinh có nguồn gốc bắt nguồn từ Phật giáo. Nhiều gia đình tổ chức lễ cúng chúng sinh vào Rằm tháng bảy là để cầu mong mọi chuyện thuận lợi và bình an, tránh cho các vong linh làm ảnh hưởng đến tất cả các thành viên trong gia đình.
Mâm cúng chúng sinh sẽ thường có: Muối, gạo (để rắc 4 phương 8 hướng sau khi cúng xong), 12 bát con cháo trắng, các loại bánh kẹo, tiền vàng, ngũ quả, quần áo, nước lọc, thắp 3 nén hương và 2 ngọn nến nhỏ.
Làm thế nào khi không thể chuẩn bị đủ đầy hết ba mâm lễ trong mùa dịch?
Theo chuyên gia Văn hóa, TS Đinh Đức Tiến (Trường Đại học KHXH&NV), lễ Vu Lan báo hiếu cần chuẩn bị thành tâm và thể hiện được lòng biết ơn, thành kính đối với ông bà, cha mẹ đã khuất.
"Để có một lễ cúng Vu Lan trọn vẹn ý nghĩa trong đại dịch chúng ta cần chuẩn bị lễ vật đơn giản, nhưng vẫn đảm bảo phong tục truyền thống: hương, đăng, hoa, quả, một chút lễ cúng chay (nếu có): khoai sắn, bỏng ngô, hạn chế sử dụng vàng mã (hoặc sử dụng với số lượng vừa phải)", TS Đinh Đức Tiến chia sẻ.
Tiến sĩ Tiến cũng cho biết thêm, trong ngày lễ này quan trọng nhất là bạn phải chuẩn bị tấm lòng thành kính, cái tâm trong sáng, đối xử tốt với cha mẹ và luôn trang bị sự hiểu biết về phong tục này nói riêng và các phong tục nghi lễ khác nói chung.
Trong thời điểm dịch bệnh, chúng ta càng cần sự đơn giản, tránh lãng phí, tránh tác động xấu đến môi trường và đặc biệt là tổ chức nghi lễ trong khuôn viên của gia đình, tránh tiếp xúc đông người và luôn đề phòng nguy cơ cháy nổ (nếu có đốt vàng mã).