Bạn nghĩ sao về chủ đề này?
MC Khánh Vy là một trong những Gen Z "điển hình" và nổi tiếng nhất nhì trong mắt nhiều người. Không chỉ xinh đẹp, cô nàng còn vô cùng tài năng khi đảm nhận nhiều vị trí như người dẫn chương trình truyền hình, KOL, nhà sáng tạo nội dung... Ở mỗi lĩnh vực, nữ MC xinh đẹp này đều để lại dấu ấn của mình.
Dù đảm nhận đa dạng vị trí như vậy, nhưng nói đến một trong những ấn tượng nổi bật nhất về Khánh Vy thì đó chắc chắn phải là khả năng tiếng Anh của cô nàng. Bản thân Khánh Vy cũng thường xuyên làm những clip truyền động lực học ngoại ngữ cho người trẻ.
MC Khánh Vy nổi tiếng với những video truyền động lực học ngoại ngữ
Mới đây, một video về chủ đề tiếng Anh được đăng tải trên kênh YouTube cá nhân 1 năm trước của Khánh Vy bỗng dưng bị đào lại, nhưng lần này là theo hướng tiêu cực. Chủ đề của video này là "Cách nói Tiếng Anh sang xịn như BLACKPINK", tại đây cô nàng đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ làm cách nào để luyện khả năng ngoại ngữ thông qua những nữ thần tượng này.
Cụ thể, Khánh Vy khuyên mọi người có thể cân nhắc đệm từ "like" vào cuộc hội thoại để cách nói chuyện giống người bản xứ hơn. Giải thích thêm một chút, từ "like" ở đây không phải mang nghĩa là "thích" như mọi người thường nghĩ, mà "like" giống như một filler word (từ đệm). Trong tiếng Việt cũng có một từ đệm khá giống với "like" đó chính là "kiểu". Nữ MC chỉ ra trong nhóm BLACKPINK, người dùng từ đệm "like" nhiều nhất là Lisa.
Song song với đó, Khánh Vy còn chỉ ra những cách dùng từ đệm "like" phổ biến:
1. Dùng từ "like" đệm vào khoảng trống lúc nói.
2. Kể lại hoặc tường thuật một câu chuyện.
3. "Like" đồng nghĩa với "about" để nói về khoảng, độ.
Quan điểm "cách để nói chuyện tự nhiên như người bản xứ bằng cách dùng từ 'like" của Khánh Vy vấp phải nhiều tranh cãi (Nguồn YouTube: Khánh Vy OFFICIAL)
Tuy nhiên, trên mạng xã hội Threads, một người dùng mới đây đã bày tỏ quan điểm trái ngược với Khánh Vy về việc dùng từ đệm "like". Toàn bộ chia sẻ của người dùng này như sau:
"Tôi vừa nghe bạn MC Khánh Vy khuyên các bạn trẻ đệm từ 'like' vào hội thoại nghe cho nó native speakers (người bản xứ - PV).
Tôi: speechless(không nói nên lời - PV) (icon lè lưỡi).
KOL kiểu này thì sợ quá ạ. 'Like' là một filler word - từ đệm. Học tiếng Anh/communication (giao tiếp - PV) ai cũng khuyến khích bỏ filler word đi còn không xong, mình đi khuyên nhau thêm 'like' vào cho sang! Không hiểu gì mà cứ copy blindly (sao chép một cách mù quáng - PV) là kỳ lắm nha.
Xin Khánh Vy hãy level up (lên trình - PV) lên em".
Toàn bộ chia sẻ của người dùng Threads này
Chia sẻ thêm dưới phần bình luận, người dùng này bày tỏ quan điểm từ đệm này nghe thì tưởng sang, nhưng thực ra nó chỉ làm cho người nghe là người bản xứ đánh giá bạn nói mà không suy nghĩ kỹ và thấu đáo, hoặc kiểu "tụi teen nói gì cũng like như con nít".
"Các bạn học tiếng Anh nên học chuẩn chỉnh từ đầu, học phát âm nguyên âm, phụ âm, trọng âm cho đúng. Đừng đi đường tắt theo trend. Không gì bằng kiến thức chuẩn chỉnh bạn ơi, có thể bạn nói có accent nhưng nói rõ ràng và chuyên nghiệp thì vẫn dc đánh giá cao hơn mấy người dùng mẹo để lấp liếm và tỏ ra như người bản xứ đó", Thread-er này bày tỏ.
Bên dưới phần bình luận, nhiều quan điểm được đưa ra. Có người ủng hộ góc nhìn của "chủ tus" là hạn chế nói thêm từ "like" vào để cho câu văn được trôi chảy, đồng thời thể hiện bạn có tư duy mạch lạc hơn. Song song với đó, cũng có netizen lên tiếng bênh vực cho Khánh Vy rằng đến người bản xứ cũng dùng từ đệm "like", huống gì mình không phải bản xứ, thỉnh thoảng bị bí ý, bí từ dùng "like" trong những khoảng trống để không bị sượng khi giao tiếp.
Trò chuyện với một thầy giáo dạy IELTS cực hot hiện nay, thầy chia sẻ từ đệm "like" trong tiếng Anh giống như từ đệm "kiểu" trong tiếng Việt vậy. Nếu dùng nhiều thì sẽ gây ra tác động xấu, nhưng ở mức độ vừa phải thì không thành vấn đề.
Cứ thử làm một ví dụ: "Mình thấy cô ấy kiểu là một người khá thông minh và xinh đẹp"(I think she's like, pretty smart and beautiful) thì câu nghe vấn rất trôi chảy, nhưng khi thêm quá nhiều từ "kiểu" vào: "Mình thấy cô ấy 'kiểu' là một người 'kiểu' thông minh ý và cũng xinh đẹp nữa, kiểu kiểu vậy"(I feel like she's kind of, like, a smart person, you know, and also beautiful, like, in that way) thì câu nói nghe không được trơn tru nữa.
Trong khi đó, H.N.T - du học sinh Đại học Columbia (Mỹ) tiết lộ quả thực người bản xứ rất hay thêm từ "like" vào khoảng trống khi đang nói. Dưới góc nhìn của bản thân, nam sinh cho rằng việc thường xuyên thêm từ đệm "like" hay không, tùy thuộc vào mỗi người. Mục đích "tối thượng" khi chúng ta học tiếng Anh là để giao tiếp, nên giao tiếp thế nào cho đối phương hiểu là được.
Ánh Dương - du học sinh Hungary, cũng hay bắt gặp mọi người sử dụng từ đệm "like" trong giao tiếp thường nhật. Cô nàng thấy "không thành vấn đề" với việc này, mặc dù bản thân luôn cố gắng sử dụng nó ít nhất có thể. Còn trong những bài nói, bài thuyết trình mang tính trang trọng hơn, Dương thấy nên hạn chế.
Theo trang lingoda - một nền tảng dạy ngôn ngữ trực tuyến trên truyền hình, dù là những từ, cụm từ không mang nhiều tác dụng trong câu và ý nghĩa của câu sẽ chẳng thay đổi gì nếu chúng ta gạch bỏ tất cả những filler word (từ đệm) đi, nhưng nó vẫn là "một phần không thể thiếu trong việc sử dụng ngôn ngữ". Chúng thường phát huy tác dụng khi người nói bị "tắc" ý tưởng và phải suy nghĩ xem mình sẽ nói gì tiếp theo. Khi sử dụng filler word, chúng báo hiệu rằng người nói sắp tiếp tục nói và người nghe nên tiếp tục lắng nghe và không nên chen ngang lời của người nói. Ngoài ra, chúng cũng có tác dụng điều chỉnh tốc độ nói và làm cho âm thanh tự nhiên hơn. Tóm lại, filler word thường được gọi là "discourse markers" (tạm dịch: điểm đánh dấu diễn ngôn - PV) vì những chức năng kể trên.
Tuy nhiên, chúng ta không nên lạm dụng các từ đệm. Nếu bạn đưa chúng quá nhiều vào trong câu, bạn có thể tỏ ra rằng mình đang do dự và đang không chắc chắn về bản thân hoặc làm suy yếu "sức nặng" trong lập luận. Bạn phải thật tinh tế khi sử dụng filler word vì vậy hãy chú ý đến cách người bản xứ sử dụng chúng và cố gắng "bắt chước" cách sử dụng này.