Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc mở rộng ra thị trường quốc tế luôn “khát” nhân lực giỏi ngoại ngữ.
Chính vì vậy, phiên dịch hiện nay là một trong những ngành tăng trưởng mạnh mẽ trong bối cảnh hội nhập kinh tế, thu hút nhiều nhân sự trẻ tuổi.
Tốt nghiệp Khoa Ngôn ngữ Ý tại Trường Đại học Hà Nội, Nguyễn Thành Trung (26 tuổi, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) hiện là phiên dịch viên cho một doanh nghiệp tại Hà Nội. Trung kể, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, với vốn tiếng Ý cơ bản, anh đã có nhiều sự lựa chọn về ngành nghề.
“Thành thạo ngoại ngữ là lợi thế giúp các bạn trẻ tiếp cận nhiều cơ hội việc làm. Vào năm cuối đại học, tôi có cơ hội thực tập tại các tổ chức phi chính phủ, công ty đa quốc gia. Một số bạn bè cùng lớp tôi thì chọn thực tập và làm việc tại những công ty du lịch, công ty dịch thuật… Thậm chí nếu không muốn gò bó vào một tổ chức, công ty nhất định, chúng tôi có thể chọn làm freelancer (làm việc tự do - PV) cho các dự án”, nam phiên dịch viên chia sẻ.
Chị Đỗ Kim Quỳnh (43 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội), thư ký cho các chuyên gia nước ngoài tại doanh nghiệp chia sẻ, công ty chị vẫn liên tục tuyển dụng vị trí phiên dịch viên tiếng Trung Quốc với mức lương khá cao, từ 15 - 17 triệu đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn trong việc tìm phiên dịch viên giỏi để dịch các văn bản, giấy tờ chuyên ngành. Đặc biệt, để tìm được phiên dịch viên chất lượng cho các buổi đàm phán kinh doanh hay hội thảo thì lại càng khó khăn gấp bội.
Theo chị Quỳnh, trong các cuộc họp có sự tham gia của sếp hoặc nhân sự người nước ngoài, phiên dịch viên có trách nhiệm lắng nghe ý kiến của từng thành viên và truyền tải lại bằng ngôn ngữ phù hợp để các thành viên đều hiểu được nội dung đang được thảo luận. Bên cạnh đó, phiên dịch viên còn đi cùng sếp trong các buổi gặp gỡ khách hàng, đối tác. Vai trò của phiên dịch viên trong các buổi gặp gỡ này rất quan trọng, là “cầu nối” đảm bảo buổi trao đổi đạt được hiệu quả cao nhất.
“Để tuyển dụng nhân sự thành thạo tiếng Trung không khó. Nhưng đối với nghề phiên dịch, chúng tôi đòi hỏi nhiều hơn thế. Ví dụ, người phiên dịch không chỉ cần am hiểu về ngôn ngữ, mà cần phải hiểu biết sâu sắc về văn hoá. Văn hóa là yếu tố không thể thiếu để giữ gìn tính chính xác và chất lượng trong mọi quá trình phiên dịch.
Trong mỗi ngôn ngữ, có những ngữ cảnh và ý nghĩa tiềm ẩn mà chỉ người nói bản xứ mới hiểu rõ. Điều này tạo ra một thách thức đối với người phiên dịch. Thách thức vì họ không chỉ đơn thuần chuyển đổi từ một ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, mà còn cần truyền tải chính xác cảm xúc, ý nghĩa và ý định gốc từ người nói”, chị Kim Quỳnh khẳng định.
Ngoài ra, chị Quỳnh nhận định, trong bối cảnh tình hình đầu tư và thương mại toàn cầu tăng trưởng mạnh, cơ hội việc làm ngành phiên dịch càng phong phú, đa dạng hơn. Nhu cầu phiên dịch viên tăng cao là vì làn sóng đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam. Các doanh nghiệp này cần tuyển phiên dịch làm việc cho văn phòng của họ tại Việt Nam. Trong khi đó các doanh nghiệp Việt cũng cần tuyển phiên dịch để mở rộng thị trường nước ngoài.
Nguyễn Thành Trung chia sẻ thêm, hiện nay nhiều người vẫn khá mơ hồ, nhầm lẫn về hai định nghĩa phiên dịch và biên dịch. Cả biên dịch và phiên dịch đều là những công việc liên quan đến dịch thuật, chuyển thể từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Vì đó, nhiều người vẫn nghĩ đây là hai khái niệm có bản chất giống nhau. Tuy nhiên thực tế, đây lại là hai lĩnh vực hoàn toàn khác biệt.
Cụ thể, biên dịch sẽ chuyên dịch thuật, chuyển đổi ngôn ngữ ở dạng văn bản. Người biên dịch sẽ có thời gian để đối chiếu, chỉnh sửa sao cho bản dịch hoàn hảo nhất. Các biên dịch viên có thể sử dụng tài liệu tham khảo, công cụ hỗ trợ như từ điển, AI… một cách thoải mái và có thể phối hợp nhóm để xử lý công việc một cách nhanh chóng.
“Trong khi đó, công việc phiên dịch là chuyển đổi ngôn ngữ ở dạng văn nói. Cá nhân tôi đã từng làm cả hai công việc trên. Theo quan điểm cá nhân, tôi đánh giá phiên dịch có phần khó hơn, yêu cầu nhiều hơn so với biên dịch.
Các phiên dịch viên phải trực tiếp dịch thuật cuộc trò chuyện, trao đổi giữa cấp trên với đối tác hoặc cấp trên với nhân viên. Phiên dịch thường không có nhiều thời gian để đối chiếu và chỉnh sửa lỗi sai và phải làm việc độc lập chứ không thể phối hợp nhóm”, Trung phân tích.
Một trong những kỹ năng mà phiên dịch viên phải có là nghe đồng thời hai ngôn ngữ và khả năng giải thích tốt. Lý do, họ cần xử lý và ghi nhớ lời của người nói đồng thời dịch sang ngôn ngữ mục tiêu trước đó 5 - 10 giây. Vì vậy, phiên dịch viên phải là những người hoạt ngôn, có vốn ngôn ngữ phong phú.
“Có những người phiên dịch sử dụng ngôn ngữ rất cường điệu, “sách vở” khiến người nghe đôi khi khó hiểu. Thực tế, phiên dịch về cơ bản đòi hỏi thông tin chính xác và ngắn gọn, không nhất thiết phải quá hay. Vì vậy, các phiên dịch viên cần nắm bắt, xử lý nguồn thông tin để lọc ý chính và truyền tải một cách đơn giản, dễ hiểu”, Thành Trung cho biết thêm.
Theo thống kê của Ziprecruiter (nền tảng kết nối nhà tuyển dụng và nhân sự), mức lương trung bình hiện tại của một phiên dịch viên có thể lọt vào tốp những việc làm thu nhập cao nhất, khoảng trên 53.000 USD/năm, tương đương với mức lương phiên dịch viên tại Việt Nam khoảng 15 - 20 triệu đồng/tháng tùy thuộc vào quy mô của mỗi doanh nghiệp.