Paul Eluard (1895 – 1952) là một trong những nhà thơ tài ba của nước Pháp. Ông sinh ra ở Saint Denis, phía Bắc thủ đô Paris.

Trên hồ vầng trăng lung linh

Tôi viết tên em

Trên mỗi khoảnh khắc hừng đông

Trên đại dương trên tàu thuyền

Trên vùng núi non điên dại

Tôi viết tên em

Bản dịch thơ của GS Phùng Văn Tửu đã chuyển tải rõ nét được sự kết hợp đầy ngẫu hứng giữa những cái vô hình trừu tượng với cái vô hình trừu tượng hơn. Với cách kết hợp này, sự vật được đẩy đến sự khó hình dung và nắm bắt. Chẳng hạn như sự kết hợp ở các tổ hợp từ ấn tượng “thời thơ ấu âm vang”, “vùng núi non điên dại”, “nhễ nhại cơn bão dông”, “cơn mưa rào nhạt thếch”...

Trên áng mây trôi bềnh bồng

Trên nhễ nhại cơn bão dông

Trên hạt mưa rào nhạt thếch

Tôi viết tên em

Tự do có ở những đối cực, giữa ngày và đêm, giữa hiện tượng thiên nhiên yên ả và bất thường, ở những khoảnh khắc mà sự sống vừa đi được trọn vẹn một hành trình như cây đèn vừa thắp sáng đang lụi dần và tắt.

Trên cây đèn vừa thắp sáng

Trên cây đèn đang lụi dần

Trên cả họ hàng quây quần

Tôi viết tên em

Trên nơi trú ẩn tan hoang

Trên ngọn hải đăng đổ nát

Trên mấy bức tường ngao ngán

Tôi viết tên em

Tự do nằm ở những hi vọng mong manh về sự hồi sinh khi con người vừa trải qua lằn ranh sinh tử, sự sống và cái chết trong chớp mắt. Như vậy, tự do chính là niềm vui, là hi vọng, là nơi con người được tái sinh một lần nữa, như sức khỏe được hồi phục sau cơn bạo bệnh, như hiểm nguy đã đi qua và chỉ còn trước mắt là những ngày được sống:

Trên sức khoẻ được phục hồi

Trên hiểm nguy đã tan biến

Trên hi vọng chẳng vấn vương

Tôi viết tên em

Paul Eluard trên trang bìa tuyển tập thơ của ông.

2.

Kết thúc bài thơ là một ước vọng được tái sinh lại cuộc đời, luân hồi lại một sự sống. Nghĩa là nhà thơ được tắm mình trong bầu không khí tự do. Như vậy, phát hiện sâu sắc nhất của nhà thơ ở đây chính là Tự do là sự sống, là khát vọng mà muôn đời con người theo đuổi, hướng đến. “Không có tự do, sự sống sẽ không còn ý nghĩa. Lúc đó, sống cũng như đã chết. Sống không đáng sống... Tự do chính là lẽ sống, là ý nghĩa tồn tại cho cuộc đời”. Khát vọng đó lại được diễn tả một cách khẩn thiết và đau đáu hơn khi lúc này nước Pháp lại đang bị phát xít Đức chiếm đóng.

Không gì buồn đau hơn khi tổ quốc thân yêu, những người thân yêu, không gian, thời gian... bị cầm tù trói buộc bởi tiếng súng đạn, mùi khói bom. Nước mắt thay cho nụ cười. Trước mắt chỉ là những nơi trú ẩn tan hoang, những ngọn hải đăng đổ nát, những bức tường thành tro bụi ngao ngán... Bài thơ thể hiện lòng yêu nước thiết tha của nhà thơ khi Tổ quốc ông đang lâm nguy. Lòng yêu nước ấy được thể hiện trực tiếp bằng khát vọng tự do bùng cháy mãnh liệt. Khát vọng ấy trở thành sức mạnh tinh thần để người Pháp bấy giờ chống lại kẻ xâm lược. Bài thơ được in hàng vạn bản, được máy bay rải xuống để động viên nhân dân chống quân thù. Nó được tiếp nhận một cách tự nguyện vì đáp ứng được khát vọng bứt phá khỏi xiềng xích và là sự đồng vọng của hàng triệu con tim đang rên xiết vì bị mất nước.

Và bằng phép màu một tiếng

Tôi bắt đầu lại cuộc đời

Tôi sinh ra để biết em

Để gọi tên em

TỰ DO

Tác phẩm đặc sắc bởi lối liệt kê sự việc và phô diễn hình ảnh đã tạo nên tính liên tục cho ngôn ngữ thơ. Những liên tưởng về tự do vì thế không hề bị gián đoạn. Như vậy, ngợi ca tự do cũng đồng nghĩa với việc Eluard ngợi ca sự không giới hạn trong tư duy và cảm xúc con người. Bởi lẽ tự do là khát vọng vĩnh cửu của con người mọi thời đại. Nhưng với bài thơ này, Eluard còn thể hiện khát vọng tự do cho dân tộc, đất nước. “Khi đất nước có được tự do, khi dân tộc không bị một thế lực ngoại bang nào thống trị thì con người trong dân tộc đó, đất nước đó mới có được sự tự do thật sự. Đây là tự do chân chính mang phẩm chất nhân văn chứ không phải là thứ tự do chém giết của các thế lực thống trị độc tài và tàn bạo”. (PGS. Lê Nguyên Cẩn).

Với hành trình tư tưởng và tâm hồn đi từ “thung lũng đau thương đến cánh đồng vui”, “từ chân trời của một người đến chân trời của mọi người” (P.Eluard), khát vọng của Eluard đã đồng vọng của khát vọng chung của tất cả mọi người. Tự do trở thành bài thánh ca, là lẽ sống thức tỉnh và lôi cuốn con người có những hành động theo cách riêng của mình. Bởi lẽ, mỗi ai trong chúng ta đều cần đến tự do như cần ánh sáng và khí trời vậy.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/sang-tac/khat-vong-tu-do-AAXLWPl7R.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/sang-tac/khat-vong-tu-do-AAXLWPl7R.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khát vọng tự do