Khẩu trang Wakamono gian dối tính năng diệt virus Corona?

03/07/2021, 10:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Gần đây, thông tin về loại khẩu trang có tên Wakamono diệt virus Corona xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông. Loại khẩu trang này có thực sự diệt được virus Corona và nó đã được cơ quan chức năng của Việt Nam cấp phép?

Khẩu trang Wakamono  gian dối tính năng diệt virus Corona?

Những lời quảng cáo “có cánh”

Trên trang https:// wakamonobio.com/news/ dẫn lại nhiều tờ báo và phương tiện truyền thông đăng tải về loại khẩu trang y tế Wakamono. Sản phẩm này do Công ty Cổ phần WAKAMONO, Khu công nghệ cao Sài Gòn, P. Tân Phú, Quận 1, TP Hồ Chí Minh sản xuất. Theo các nội dung đăng tải, khẩu trang y tế Wakamono có khả năng diệt virus Corona đầu tiên trên thế giới đã có mặt tại Việt Nam.

Khẩu trang cấu tạo gồm 4 lớp. Lớp ngoài cùng kháng chất lỏng. Lớp thứ 2 diệt virus và vi khuẩn bằng vải diệt virus Gecide Fabri. Lớp thứ 3 lọc sạch mầm bệnh bằng vải vi lọc. Trong cùng là lớp vải mềm.

Khẩu trang có đặc tính kép là tiêu diệt virus và vi khuẩn đồng thời lọc các mầm bệnh. Lớp Gecide bên trong khẩu trang Wakamono diệt đến 99% virus SARS-CoV-2. Khẩu trang có giá 45.000 đồng/hộp 10 chiếc. Khẩu trang dùng một lần, tùy vào môi trường tiếp xúc mà sử dụng từ 4 - 8 tiếng.

Cũng theo các bài viết trên trang https://wakamonobio.com, đơn vị sản xuất sở hữu công nghệ nano biotech độc quyền. Lớp vải bên trong khẩu trang được bao phủ bởi hàng triệu hạt nano hữu cơ. Các hạt này làm suy yếu và tiêu diệt các mầm bệnh có hại khi tiếp xúc hoặc đi xuyên qua.

Truy cập vào địa chỉ https://wakamonobio.com/medical-face-mask-vn/, dòng chữ “Khẩu trang y tế Wakamono diệt virus Corona 99% đầu tiên trên thế giới” đập vào mắt người xem. Liên hệ với cách thức kết nối trên trang này, một nhân viên tự xưng tên Sa Hao Pô Nhàn đã trả lời.

Nhân viên này giới thiệu rằng, khẩu trang Wakamono có lớp vải được bao phủ bởi hàng triệu hạt nano hữu cơ đó là Gecide Fabric. Nó được chứng minh có hiệu quả tiêu diệt virus SARS-CoV-2 đến 99%. Cơ chế diệt virus lên đến 99% đã được kiểm nghiệm và chứng minh tại phòng lab độc lập, uy tín trên thế giới như Europhin của Mỹ và TUV của Ấn Độ.

Phương tiện truyền thông dẫn lời ông Lại Nam Hải, người sáng lập – Chủ tịch công ty, người phát minh khẩu trang Wakamono rằng, cấu tạo bên ngoài nó không khác các loại khẩu trang y tế thông thường. Khẩu trang Wakamono được bổ sung khả năng tiêu diệt các loại virus, vi khuẩn ngay khi tiếp xúc hoặc đi xuyên qua lớp vải diệt virus (Nano Gecide).

Theo quảng cáo, loại khẩu trang này đạt được tiêu chuẩn của bộ thử nghiệm ASTM F2100 (Level 3) của Mỹ và EN 14683 (Type IIR) của châu Âu. Đến nay, Wakamono đạt chứng nhận của Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA); được CE (châu Âu), TGA (Australia) cấp phép và được lưu hành ở các quốc gia này.

Người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần WAKAMONO là bà Đặng Thị Hồng Ngọc. Bà Ngọc còn đại diện các doanh nghiệp: Công ty Cổ phần One Production, Chi nhánh Công ty Cổ phần Wakamono, Chi nhánh Công ty Cổ phần sản xuất thực phẩm dinh dưỡng NK Hà Nội, Công ty TNHH Waka Trading, Công ty Cổ phần Lab From Nature, Công ty Cổ phần Mnest, Chi nhánh Công ty Cổ phần Mnest, Chi nhánh Công ty Cổ phần Felife. Ông Lại Nam Hải và bà Đặng Thị Hồng Ngọc có vai trò trong rất nhiều công ty và chi nhánh khác nhau.

“Nhầm lẫn” về chỉ số ghi trên sản phẩm

Hình ảnh đăng tải trên trang https://wakamonobio.com/.

PGS.TS Phạm Văn Nho, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội có hơn 20 năm nghiên cứu về khẩu trang. Ông cho biết, đã tìm hiểu kỹ về thiết kế, cấu tạo của loại khẩu trang Wakamono. Nếu chỉ qua quan sát sản phẩm bằng mắt thì thấy nó như khẩu trang y tế 4 lớp bình thường.

PGS.TS Phạm Văn Nho phân tích về các chỉ số ghi trên sản phẩm. Chỉ số BFE là hiệu suất lọc (Bacterial Filtration Eficiency) chứ không phải là hiệu suất diệt vi khuẩn như cách ghi trên bao bì sản phẩm. Ngoài vỏ sản phẩm ghi rõ chỉ số BFE là 98%.

Con số này là có vấn đề. Bởi loại khẩu trang N95 chuẩn quốc tế, có độ dày gấp 10 lần khẩu trang này cũng mới chỉ lọc được 95% vật thể lớn hơn 0,3 micromet, chứ không dám nói tới virus nhỏ hơn 0,3 micromet nhiều lần. Với chỉ số như vậy, liệu có lọc được virus, vi khuẩn hay không là một dấu hỏi?

Sản phẩm quảng cáo lọc được 99% virus Corona trong khi BFE chỉ ngăn được 98% là thể hiện sự mâu thuẫn trong chính các thông tin đưa ra. Dù con số rất nhỏ nhưng thể hiện sự thiếu chính xác, nhầm lẫn về số liệu.

PGS.TS Phạm Văn Nho khẳng định, rất nhiều vật liệu có thể diệt được virus, vi khuẩn. Nhưng không phải vật liệu nào cũng có thể đưa vào khẩu trang. Bởi có những loại vật liệu không an toàn cho sức khỏe khi tiếp xúc gần.

Thứ nữa, vật liệu diệt khuẩn đó bắt buộc phải hoạt động liên tục trong suốt quá trình sử dụng. Nếu chỉ thử nghiệm một lần thấy chúng có khả năng diệt khuẩn đã đi đến kết luận vật liệu đó dùng cho khẩu trang diệt khuẩn được là chưa đảm bảo tính khoa học.

Có những vật liệu diệt vi khuẩn, virus rất tốt nhưng không dùng cho khẩu trang được. Bởi chúng bị tiêu hao hết ngay sau khi tác động vào vi khuẩn, virus.

Với vốn kiến thức của mình, PGS.TS Phạm Văn Nho không biết Gecide là vật liệu gì, khả năng kháng khuẩn ra sao. Ông nhận định rằng, rất có thể đó là tên một loại vật liệu do nhà sản xuất sáng tạo ra. Những thông tin đưa ra trên chính sản phẩm khẩu trang cũng khá mập mờ, thiếu độ tin cậy về mặt khoa học.

Ở góc độ khoa học, PGS.TS Phạm Văn Nho đưa ra lời khuyên rằng, nếu những quảng cáo này là sai sự thật thì hậu quả khôn lường. Bởi người dùng vì tin quảng cáo mà yên tâm sử dụng để bảo vệ tính mạng mình trong đại dịch. Trong khi đó, bản chất khẩu trang lại không đầy đủ tính năng như quảng cáo.

PGS.TS Phạm Văn Nho cho biết, ở nhiều đơn vị kiểm định chất lượng như Viện Pasteur TPHCM có quy định rõ không cho phép ghi kết quả xét nghiệm của mẫu thử nghiệm lên sản phẩm thương mại. Trong các phiếu kiểm định (đối với các sản phẩm, kể cả khẩu trang) đều ghi rõ kết quả chỉ có giá trị trên mẫu thử và không sử dụng kết quả này vào mục đích quảng cáo. Vì không thử nghiệm trên sản phẩm bán nên số liệu ghi trên sản phẩm có thể không đúng. Người tiêu dùng hoàn toàn có thể kiện nhà sản xuất trong trường hợp sản phẩm có tác dụng không đúng như những thông tin quảng cáo. Khi đó, nhà sản xuất sẽ phạm tội lừa dối người tiêu dùng. 
Bài liên quan
Thí sinh nên mang mũ, kính chắn giọt bắn khi thi tốt nghiệp THPT
Sở GD-ĐT TP.HCM vừa có văn bản hướng dẫn thực hiện một số nội dung trước kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khẩu trang Wakamono gian dối tính năng diệt virus Corona?