“Chúng tôi đã nhận được Công văn 4306 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn về việc bổ nhiệm CDNN giáo viên mầm non, phổ thông. Công văn cơ bản đề cập tới những khó khăn, vướng mắc mà các địa phương gặp phải. Chúng tôi tiếp tục rà soát, đối chiếu với trường hợp cụ thể nhằm đảm bảo quyền lợi cho giáo viên trên địa bàn”, ông Dẫn trao đổi.
Tương tự, những giải đáp của Bộ GD&ĐT và Công văn 4306 trở thành “cẩm nang” để Phòng GD&ĐT huyện Thanh Hà (tỉnh Hải Dương) có cơ sở phối hợp với Phòng Nội vụ tham mưu với lãnh đạo huyện thực hiện bổ nhiệm CDNN, xếp lương cho giáo viên trên địa bàn. Hiện, toàn huyện có khoảng 1.500 giáo viên thuộc diện biên chế. Trong đó, có một số trường hợp giống với Công văn 4306 của Bộ GD&ĐT đề cập.
“Nay đã có hướng dẫn chi tiết, chúng tôi sẽ bám sát để thực thi. Dự kiến trong tháng 11 năm nay sẽ hoàn tất việc bổ nhiệm CDNN, xếp lương cho giáo viên. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc và tình huống phát sinh, chúng tôi sẽ xin ý kiến cấp trên nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nhà giáo”, ông Trần Duy Thược – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thanh Hà chia sẻ.
Theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD&ĐT), trong quá trình địa phương thực hiện chùm Thông tư 01 - 04 và Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT, Bộ GD&ĐT đã nhận được nhiều câu hỏi của giáo viên và cơ quan quản lý các cấp về một số quy định liên quan đến bổ nhiệm CDNN.
Để thực hiện thống nhất các quy định về tiêu chuẩn CDNN trong bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non, phổ thông, Bộ GD&ĐT hướng dẫn, thời gian để được xét bổ nhiệm vào CDNN giáo viên tiểu học, THCS hạng II mới bao gồm:
Thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, thời gian giữ các ngạch giáo viên, thời gian giữ CDNN giáo viên hạng III, hạng II và thời gian khác được cơ quan có thẩm quyền xác định tương đương khi thực hiện chuyển CDNN (không kể thời gian tập sự).
Ví dụ: Giáo viên B hiện giữ CDNN giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.11). Trước đây, giáo viên B đã có 3 năm công tác, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc ở vị trí việc làm giáo viên THCS, 2 năm giữ ngạch giáo viên THCS (mã số 15a.202) và có 2 năm giữ CDNN giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.12).
Sau khi trúng tuyển trong kỳ thăng hạng do địa phương tổ chức, giáo viên B được bổ nhiệm CDNN giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.11), tính đến hiện tại có 2 năm giữ hạng. Như vậy, giáo viên B có tổng thời gian giữ CDNN giáo viên THCS hạng III (mã số V.07.04.12) và hạng II (mã số V.07.04.11) hoặc tương đương được 9 năm và đủ điều kiện để bổ nhiệm vào CDNN giáo viên THCS hạng II (mã số V.07.04.31).
Cũng theo đại diện Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, khi thực hiện chuyển hạng CDNN cho trường hợp chưa được bổ nhiệm CDNN đúng với cấp học đang giảng dạy hoặc thay đổi vị trí việc làm mà CDNN đang giữ không phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm mới thì không yêu cầu giáo viên phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN của vị trí việc làm được chuyển.
Theo quy định, sau khi được bổ nhiệm, chuyển xếp CDNN, nếu giáo viên có nhu cầu đăng ký dự thi hoặc xét lên hạng CDNN cao hơn liền kề, phải có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN theo quy định.