Khó như… dạy tiếng Anh ở vùng cao

Đại Dương | 25/08/2022, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Thời gian qua, việc dạy và học tiếng Anh ở vùng cao tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Từ đó, kết quả thi tốt nghiệp THPT ở khu vực này thấp hơn so với mặt bằng chung của địa phương.

Khó khăn bộn bề

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, điểm thi môn Tiếng Anh ở tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn không cải thiện được nhiều so với những năm trước đây, do đó tiếp tục có kết quả thấp hơn so với những môn khác, trong số này có nhiều điểm thấp đến từ các huyện vùng cao như Nam Đông, A Lưới. Đó là thực trạng đã diễn ra từ lâu nay.

Tại huyện miền núi Nam Đông, được biết 100% trường đều dạy tiếng Anh (từ lớp 3 đến lớp 5) theo chương trình tiếng Anh hệ 10 năm của Bộ GD&ĐT, trong đó chỉ có 7 trường dạy tiếng Anh từ lớp 1. Do phần lớn học sinh theo học là người dân tộc thiểu số nên việc tiếp thu tiếng Anh còn rất hạn chế.

“Các em học sinh dân tộc thiểu số có vốn từ vựng và ngữ pháp rất yếu. Do tiếng giao tiếp của học sinh vẫn là tiếng mẹ đẻ, ngôn ngữ thứ hai là tiếng Việt, nên khi tiếp xúc với ngôn ngữ thứ ba là tiếng Anh thì việc đọc, hiểu các em gặp nhiều lúng túng.

Học sinh chúng tôi dạy rất sợ đọc sai và nhút nhát. Mỗi lần đọc, các em hay dễ nhầm phát âm một số từ tiếng Anh sang tiếng mẹ đẻ dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, nhiều em nhớ từ vựng cũng không tốt. Một số học sinh dù học từ cấp 1, đến khi lên cấp 2 vẫn không tự giới thiệu bản thân bằng những câu chào thông thường bằng tiếng Anh”, một giáo viên dạy học tại huyện Nam Đông lắc đầu.

Bên cạnh đó, các học sinh khi học tiếng Anh do thiếu nhiều trang thiết bị cũng đã ảnh hưởng đến chất lượng tiếp thu. Cô Lê Thị Thu Hằng, giáo viên Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện Nam Đông trải lòng, do việc dạy học mới chỉ tập trung vào ngữ pháp, đọc và dịch, nên phần minh họa tranh ảnh thì giáo viên phải tự tìm rồi photo cho học sinh xem. Một số chủ đề trong sách giáo khoa tiếng Anh liên quan đến cuộc sống hiện đại, do học sinh chưa tiếp xúc nên giáo viên phải mất thời gian để giải thích…

Ở huyện miền núi A Lưới, do quãng đường cách xa trung tâm tỉnh Thừa Thiên – Huế nên việc học tiếng Anh còn gặp nhiều khó khăn hơn huyện Nam Đông. Em Hồ Thị Niên, học sinh Trường THCS Hồng Vân (huyện A Lưới) cho hay: “Em rất chật vật học tiếng Anh. Em học trên lớp xong về nhà lại quên nhưng không biết hỏi ai vì bố mẹ, người thân, hàng xóm đều không biết tiếng Anh. Những phần em không hiểu là cách đọc, cách viết và nghĩa của từ vựng”.

Khó như… dạy tiếng Anh ở vùng cao ảnh 1

Học sinh vùng cao huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên – Huế trong một tiết học môn Tiếng Anh.

“Loay hoay” tìm giải pháp

Trao đổi với PV, ông Lại Quốc Trình – Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nam Đông cho hay, do thiếu trang thiết bị dạy học môn Tiếng Anh cũng như thiếu giáo viên môn này nên đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng dạy, học môn Tiếng Anh. “Việc dạy tiếng Anh cho học sinh dân tộc thiểu số hầu như thiếu thốn trăm bề. Thực tế có nhiều trường chỉ dạy “chay” trong sách giáo khoa với phương pháp thầy đọc - trò nghe là chủ yếu.

Rất nhiều trường hiện chưa có phòng luyện âm. Các trang thiết bị như máy nghe thì hạn chế, nơi có nơi không. Sách, truyện, báo tiếng Anh nhằm nâng cao việc học cho các em lại rất hiếm. Học sinh chỉ học tiếng Anh trên lớp, về nhà không có ai để giao tiếp vì người thân các em hầu như không ai biết tiếng Anh” – ông Trình nhận xét.

Qua khảo sát một số trường học tại huyện A Lưới, nhiều giáo viên dạy tiếng Anh bộc lộ nhiều yếu kém, bất cập, chưa đáp ứng được sự đổi mới và chuẩn trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Nhiều giáo viên có thói quen dùng tiếng Việt trong giờ dạy với thời lượng khoảng trên 50% thời gian tiết học. Có hiện tượng giáo viên hạ thấp yêu cầu, giảm nội dung với đối tượng học sinh dân tộc thiểu số…

Hiện tại, cách dạy và học của giáo viên và học sinh chủ yếu theo hướng thi trắc nghiệm; cách dạy học ở các trường chưa bám chuẩn đầu ra và đang dạy theo sách giáo khoa; việc cải tiến phương pháp dạy học không cao do chưa tương thích giữa việc học và thi; một số lượng lớn thí sinh làm bài tiếng Anh để tránh điểm liệt nên không cố gắng. Từ thực tế trên đã khiến điểm môn Tiếng Anh Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 vẫn thấp, nhất là đối với học sinh 2 huyện vùng cao Nam Đông và A Lưới.

Một lãnh đạo ngành Giáo dục tỉnh Thừa Thiên – Huế đưa ra giải pháp, các trường nên đầu tư mạnh vào cơ sở vật chất, từ đó mới có được một môi trường dạy học tiếng Anh tốt, song song với đó là bồi dưỡng giáo viên giỏi nhằm dạy tốt cho học sinh vùng cao.

Việc dạy học tiếng Anh cần hướng vào năng lực, kỹ năng hơn là kiến thức. Cần tổ chức tăng tiết đối với môn Tiếng Anh và tăng cường việc nghe, nói, giao tiếp… và tạo thêm nhiều hứng thú, động lực cho học sinh dân tộc thiểu số học môn này.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khó như… dạy tiếng Anh ở vùng cao