Khởi động cách kiểm tra đánh giá năng lực người học từ đề minh họa

02/04/2024, 07:54
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Đề minh họa Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 môn Ngữ văn đã khởi động cách kiểm tra đánh giá năng lực người học...

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Xu hướng viết bài luận hàm súc

Người viết đồng tình với những thay đổi cần làm của đề thi tham khảo tốt nghiệp Ngữ văn năm 2024. Sự thay đổi, dù chưa nhiều, nhưng đã khởi động cách kiểm tra đánh giá năng lực người học và là bước chuyển cần thiết cho việc học và kiểm tra Ngữ văn theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Phần nhiều nhà giáo (Ngữ văn nói riêng), vẫn theo quan điểm: “Thi thế nào, dạy và học thế”. Dù đổi mới phương pháp tập huấn thế nào, tập huấn những gì, dù đã 2 năm dạy Chương trình GDPT 2018, nhưng một số thầy cô Ngữ văn vẫn ngại dạy năng lực và kỹ năng. Những bài văn mẫu dài thật sự áp lực cho học trò mọi vùng miền. Những “câu chữ của người ta” vẫn được thầy cô sưu tầm và yêu cầu học sinh sử dụng trong bài viết.

Điều này khiến tôi băn khăn, viết đoạn nghị luận xã hội khoảng 200 chữ, sao thầy cô cứ yêu cầu học sinh phải chọn dẫn chứng trong sử sách, những danh nhân, vĩ nhân, bác học… mà không hướng trò đến việc dùng dẫn chứng trong đời sống quanh ta, người quanh ta là học sinh, thầy cô và mọi người? Viết bài nghị luận văn học, sao cứ yêu cầu tất cả trò phải so sánh, mở rộng, hoặc phải mở bài, kết bài gián tiếp? Đó là thực trạng ai quan tâm đến môn Ngữ văn đều đau đáu suy tư!

Trong đề tham khảo Bộ GD&ĐT công bố ngày 8/3 cho kỳ thi tốt nghiệp từ năm 2025, bài thi Ngữ văn gồm phần đọc hiểu trắc nghiệm (4 điểm), bài tự luận (6 điểm) sẽ có đoạn nghị luận xã hội và bài nghị luận văn học hoặc đoạn nghị luận văn học và bài nghị luận xã hội, với thời gian từ 90 - 120 phút. Được biết, các nhà trường đang triển khai để áp dụng ngay từ bài kiểm tra giữa học kỳ II của năm học này. Mục tiêu của đề thi là kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản và năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ…

Theo tôi, quan điểm bài luận Ngữ văn viết dài, mở rộng đào sâu, trích dẫn nhiều ý kiến kinh điển sẽ không còn phù hợp. Làm sao để học sinh hiểu vấn đề, hiểu văn bản bất kỳ (dù hiểu chưa đầy đủ) và diễn đạt (dù chưa lưu loát) rồi dần dần hiểu đúng, hiểu sâu, viết đúng, tiến tới viết thuyết phục? Đó mới là nhiệm vụ vinh quang của thầy cô dạy Ngữ văn.

Đề thi Ngữ văn tham khảo năm nay đã chú trọng đến năng lực đọc hiểu và diễn đạt bài luận cần có của người học. Vấn đề căn cốt của học Ngữ văn đã đến lúc chúng ta cần trả lại đúng vị trí sau bao năm đề cao văn mẫu, nhớ nhiều, thuộc nhiều. Hy vọng, đề thi tốt nghiệp chính thức 2024 sẽ được các giám khảo trân quý năng lực đọc hiểu và diễn đạt thực tế của thí sinh, từ đó thoát dần tư tưởng nhân văn “gạn đục khơi trong”, đưa điểm thi Ngữ văn về thực chất hơn.

Cái mới luôn khó. Nhưng tôi tin, thầy, trò sẽ đón nhận và thay đổi phương pháp dạy và học, làm bài thi khi xu hướng kiểm tra và đánh giá theo năng lực người học sẽ từng bước được đưa vào đề bài các môn bắt đầu từ Kỳ thi tốt nghiệp THPT vào tuần cuối tháng 6/2024.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khoi-dong-cach-kiem-tra-danh-gia-nang-luc-nguoi-hoc-tu-de-minh-hoa-post677423.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khoi-dong-cach-kiem-tra-danh-gia-nang-luc-nguoi-hoc-tu-de-minh-hoa-post677423.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Khởi động cách kiểm tra đánh giá năng lực người học từ đề minh họa