Bài học từ đôi Biti’s tới lon Pepsi
Trên thực tế, với đặc thù là một môn học mới, không dễ để học sinh có thể bắt nhịp nhanh với nội dung học. Giáo viên phải thực sự sáng tạo, đầu tư vào nội dung giảng dạy để việc học hiệu quả và học sinh tìm được niềm hứng khởi trong môn học. Để việc học hiệu quả, thầy cô phải nỗ lực sáng tạo và luôn đổi mới cho phù hợp.
Thầy Tùng cho biết, trong giờ học, mình và đồng nghiệp luôn sử dụng rất nhiều các trò chơi, hoạt động tương tác trong giờ học để đạt được mục đích giúp học sinh làm chủ kiến thức, có khả năng vận dụng trong thực tế.
Ngoài các bài giảng trên lớp, thầy cô cũng tìm cơ hội để học sinh có thể tham quan các mô hình kinh doanh thực tế, tìm hiểu các công ty, hình thành phẩm chất nghề nghiệp.
Học sinh sẽ có cơ hội trở thành giáo viên, học tập chủ động và truyền thụ kiến thức tới bạn bè. Lộ trình học từ lớp 6 tới lớp 12 của học sinh phản ánh đúng triết lý của nhà trường khi giáo dục chính là cuộc sống và những điều các em học có giá trị cho cả hiện tại và tương lai.
Đặc biệt, các giờ học kinh doanh - hướng nghiệp của thầy Tùng luôn không bắt đầu bằng những kiến thức khô khan. Với những câu hỏi xem thế giới đang có gì biến động, những câu chuyện kinh doanh - marketing nào đang trở thành xu thế, thầy Tùng kéo học sinh vào cuộc trò chuyện, thảo luận, tạo một không gian chia sẻ mở và học sinh thấy kiến thức không còn xa lạ. Các bài học thường đi từ những case study (tình huống thực tế) phù hợp và gần gũi với học sinh.
“Khi học về quảng cáo, tôi cho học sinh xem series clip “Đi để trở về” của Biti’s để cùng nhau thảo luận về những thông điệp đằng sau sản phẩm. Học sinh đa phần đều biết tới ca sĩ Soobin Hoàng Sơn cũng như những MV trẻ trung, gần gũi với các bạn.
Hoặc trong bài học về xây dựng thương hiệu với học sinh khối 9, chiến dịch Pepsi cùng ban nhạc Black Pink được đưa ra làm ví dụ khi các sản phẩm Pepsi in hình thành viên Black Pink được săn lùng ráo riết trên thị trường. Muốn dạy học sinh được với môn học mới phải nói đúng “ngôn ngữ” của các bạn, hiểu được những điều người trẻ quan tâm và hứng thú.” - thầy Tùng chia sẻ.
Nói về kỷ niệm với môn học, thầy Tùng nhớ lại câu chuyện khi hỏi học sinh lớp 6 về nghề nghiệp mong muốn trong tương lai. Bên cạnh các câu trả lời như Youtuber, kỹ sư, bác sĩ, một học sinh đã trả lời muốn làm thợ hồ khi quan sát những người thợ hồ làm việc với niềm hạnh phúc: “Niềm hạnh phúc của một người thợ hồ đâu có ít hơn niềm hạnh phúc của một giám đốc”