PGS.TS Phan Cao Thọ cho rằng, nhà doanh nghiệp và nhà trường cần xây dựng được “văn hoá” hợp tác “win – win” (hai bên cùng có lợi). Do đó, cần phải có quyết tâm và chiến lược rõ ràng từ các bên thì mới triển khai các ký kết hợp tác mới hiệu quả.
Việc doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo của nhà trường là một hình thức đầu tư phát triển. Doanh nghiệp có thêm quyền và cơ hội lựa chọn các “sản phẩm” lao động chất lượng cao, đáp ứng được yêu cầu, giảm bớt thời gian và chi phí đào tạo lại. Về phía nhà trường, ngoài việc được hỗ trợ, trang bị thêm cơ sở vật chất, học bổng cho sinh viên, sự gắn kết này còn như là một phần của cơ chế học tập suốt đời và là một quá trình tương tác không thể tách rời.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng tiếp nhận thiết bị thực hành từ doanh nghiệp tài trợ. |
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật, ĐH Đà Nẵng tổ chức nhiều đợt đi thực tế tại các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch chương trình đào tạo cũng như kế hoạch thực tập của sinh viên cho phù hợp với thực tiễn.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc Đại học Đà Nẵng nhìn nhận: “Trước bối cảnh cạnh tranh và hội nhập quốc tế gắn liền với cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 đòi hỏi nền kinh tế phải thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang theo chiều sâu, chỉ có một nền giáo dục đại học phát triển mới cung ứng được nguồn nhân lực chất lượng cao làm tăng suất lao động và năng lực cạnh tranh, hội nhập”.
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, một trong những giải pháp tháo gỡ điểm nghẽn đó là khơi thông các nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước cho giáo dục đại học. Nhà nước với vai trò “bà đỡ” khuyến khích, tạo điều kiện đẩy mạnh hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp để doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo, hỗ trợ nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất góp phần nâng cao chất lượng đào tạo là hết sức quan trọng.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng kiến nghị: Chính phủ cần bổ sung, hoàn thiện, ban hành các chính sách như về thuế, đất… khuyến khích doanh nghiệp chú trọng tiết kiệm dành nguồn đầu tư mà “điểm đến” là hỗ trợ, đóng góp cho các trường đại học. Các bộ, ngành cần quan tâm tháo gỡ những “điểm nghẽn” về cơ chế, chính sách để khuyến khích các trường tiếp nhận các nguồn tài trợ quốc tế, nhằm tranh thủ thêm nguồn lực để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.