Lý do bởi nhiều hợp tác xã không có tài sản chung, thậm chí không có trụ sở nên phải lấy tài sản của một thành viên hợp tác xã để thế chấp. Thế nhưng, một số thành viên trong gia đình không đồng thuận nên việc vay vốn thế chấp của hợp tác xã gặp cản trở. Hơn nữa, hợp tác xã phải có dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả tuy vậy, qua quá trình khảo sát cho thấy các hợp tác xã đa phần hoạt động lỗ trên sổ sách kế toán.
Ngoài ra, Luật Hợp tác xã cũng nêu, khi hợp tác xã đầu tư phải nộp thuế VAT. Như vậy, nếu vay được vốn tại Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã, hợp tác xã được hưởng lãi suất thấp hơn vài % nhưng lại phải nộp 10% thuế VAT nên nhiều hợp tác xã định không vay nữa.
Để tháo gỡ những khó khăn mà các hợp tác xã gặp phải, đại diện Hợp tác xã Đầu tư nông trại xanh và Phát triển bò Ba Vì, thành phố Hà Nội đề xuất cơ quan chức năng tạo điều kiện về vốn hoặc hỗ trợ lãi suất sau đầu tư theo hướng giảm bớt các điều kiện được vay vốn. Ngoài ra, thêm cơ chế cho hợp tác xã được vay vốn lãi suất ưu đãi, thời gian cho vay với sản xuất nông nghiệp dài tối thiểu từ 10 năm trở lên.
Cùng đó, thành viên hoặc hợp tác xã vay vốn ở ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng khác để phục vụ sản xuất, ngành ngân hàng xem xét hỗ trợ lãi suất từ 3 năm trở lên để phần nào giảm bớt khó khăn cho thành viên và hợp tác xã.
Nhằm giải toả cơn khát về vốn cho hợp tác xã, từ năm 2020 đến nay, Liên minh Hợp tác xã Hải Dương đã hỗ trợ 29 hợp tác xã vay gần 70 tỷ đồng từ Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm, nguồn vốn hỗ trợ phát triển hợp tác xã của tỉnh và vốn từ Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Ngoài 3 nguồn vốn trên, các địa phương trong tỉnh cũng tích cực hỗ trợ hợp tác xã tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay ưu đãi từ ngân hàng, quỹ tín dụng nhân dân hay quỹ của các ban, ngành, đoàn thể... Nhờ các nguồn vốn này mà hợp tác xã đã có thêm nguồn lực để đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Điển hình như Hợp tác xã Nông nghiệp xanh V-Phúc, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương được vay gần 3,5 tỷ đồng từ nguồn Hỗ trợ phát triển Hợp tác xã của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam.
Nhờ đó, hợp tác xã đã phối hợp Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ Fusa, thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương xây dựng cơ sở chế biến nông sản khép kín rộng 2.000 m2 phục vụ xuất khẩu.
Tương tự, Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Nam Vũ, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã tiếp cận 2 nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh và Trung ương. Đến nay, hợp tác xã này đã xây dựng được thương hiệu riêng cho sản phẩm chủ lực và từng bước hiện thực hoá ý tưởng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm...
Lãnh đạo Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng, tới đây hợp tác xã cần nâng cao năng lực quản trị và tăng số lượng thành viên để khuyến khích góp vốn.
Bên cạnh đó, khi hợp tác xã tăng năng lực quản trị sẽ tạo thuận lợi cho kết nối chuỗi, giúp dễ dàng huy động nguồn lực như ứng vốn, vật tư từ doanh nghiệp phục vụ sản xuất hoặc thu hút, mời doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết. Việc này giúp hợp tác xã vay vốn từ doanh nghiệp và tạo độ tin cậy với tổ chức tín dụng.
Ngoài ra, các cấp có thẩm quyền phải thường xuyên nắm bắt tình hình thực trạng của hợp tác xã nhằm kịp thời đề xuất với cơ quan liên quan điều chỉnh, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hợp tác xã phát triển ổn định và hiệu quả.