Từ thực tế trên, thầy Lợi thấu hiểu khó khăn của học sinh mất gốc tiếng Anh. Mỗi tiết học, thầy luôn cố gắng nghiên cứu kỹ bài giảng để chắt lọc và giảng dạy cho học sinh. “Với học sinh mất gốc, việc tiếp nhận các bài học trong sách giáo khoa rất vất vả. Vì vậy, tôi cố gắng chắt lọc những kiến thức cốt lõi để làm sao các em tiếp cận bài học hiệu quả nhất. Đối với em có năng lực tốt, tôi cũng có bài giảng riêng để nâng cao kiến thức. Ngoài giờ lên lớp, tôi thành lập các nhóm Zalo nhằm hỗ trợ học sinh, đồng thời tìm các phần mềm luyện nghe, nói cho trò thực hành”, thầy Lợi cho hay.
Với mục tiêu những em có khả năng đạt 5 điểm thì phải dạy sao để làm được 6 điểm. Những em học tốt, giáo viên cố gắng giúp duy trì phong độ, có thể giành điểm cao trong các kỳ thi. Chia sẻ quan điểm trên, thầy Lợi đồng thời khẳng định, muốn trò học tiếng Anh tốt, người thầy có vai trò rất quan trọng. Họ chính là người truyền cảm hứng, định hướng giúp học sinh vượt qua khó khăn.
Hiểu rõ khoảng trống của địa phương vùng khó cũng như điểm yếu của học trò với môn học, mỗi giáo viên, nhà trường có cách làm khác nhau để từng bước cải thiện chất lượng, thứ hạng.
Thầy Lê Văn Hào – Hiệu trưởng Trường THPT Cư M’Gar (Đắk Lắk) - nhận định: Tiếng Anh là môn đặc thù, do đó ngoài thực hiện theo các chủ trương của Bộ GD&ĐT, sở GD&ĐT về định hướng dạy môn Tiếng Anh, quan điểm của nhà trường là đặc biệt tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh dạy và học sao cho hiệu quả.
Đồng thời, trường cũng phân từng đối tượng. Ví dụ, những em học chương trình hệ 10 năm sẽ khác hệ 7 năm. Học hệ 10 năm, nhà trường sẽ cho các em lựa chọn theo nguyện vọng để có cơ hội phát huy những kiến thức đã học. Chương trình, phương pháp dạy cũng như những yêu cầu của hệ 10 năm sẽ khác so với học sinh theo học hệ 7 năm.
Ngoài ra để khuyến khích, nâng cao hiệu quả học tiếng Anh, Trường THPT Cư M’Gar thành lập câu lạc bộ tiếng Anh nhằm tạo môi trường, cơ hội cho học sinh giao tiếp tiếng Anh nhiều hơn. Đồng thời, nhà trường tổ chức các cuộc thi xây dựng clip, trao đổi phương pháp học tiếng Anh cho học sinh.
“Bên cạnh đó, với học sinh học tốt tiếng Anh, chúng tôi khuyến khích thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEFL để có kết quả tốt hơn khi xét tốt nghiệp, được cộng điểm ưu tiên khi xét tuyển đại học hoặc dùng để xét tuyển thẳng một số ngành... Mặc dù nằm ở vùng sâu, vùng xa, năm vừa rồi nhà trường có 4 học sinh đạt chứng chỉ IELTS từ 4.5 đến 6.5”, thầy Hào cho biết.
Tuy nhiên, thầy Hào cũng chỉ ra những khó khăn nhà trường, học sinh vùng sâu, vùng xa gặp phải như điều kiện thực hành tiếng Anh không có. Các em chỉ sử dụng tiếng Anh trong các tiết học môn này, ít có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài. Do đó kỹ năng giao tiếp còn hạn chế.
Nhiều học sinh chưa ý thức được vai trò của tiếng Anh nên có thái độ học đối phó, chống trượt. Số lượng hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ tiếng Anh do nhà trường tổ chức, các em tham gia còn ít. Đây là những điểm yếu, theo thầy Hào, nhà trường, giáo viên và cả học trò cần nỗ lực khắc phục trong thời gian tới.
Học sinh vùng cao, không có điều kiện, môi trường để giao tiếp, trau dồi kỹ năng nói, nghe trong tiếng Anh, do đó, người thầy cần tạo môi trường cho học sinh được rèn luyện. Bên cạnh đó, giáo viên phải giải thích cho học sinh vai trò, tầm quan trọng của tiếng Anh hiện nay không chỉ trong nhà trường, mà cả cuộc sống, công việc sau này. - Thầy Lê Văn Lợi, Trường THPT Phù Yên (Sơn La)