Theo bà Krông Ái Hương Lan, Phó Trưởng phòng GDTrH-GDTX, Sở GD&ĐT Đắk Lắk, bồi dưỡng, tập huấn sẽ giúp thầy cô linh hoạt trong việc xây dựng kế hoạch nhà trường, kế hoạch dạy học sát với thực tế.
“Tùy vào điều kiện thực tế mỗi trường, kinh tế - xã hội của địa phương, trình độ của học sinh, chúng ta sẽ thêm “gia vị”, giống như mặc áo mới cho kế hoạch tổng thể. Bởi hơn ai hết, các thầy cô mới hiểu học sinh của mình cần gì, nhà trường có những gì. Từ đó, áp dụng vào thực tế dạy học, giáo dục một cách hiệu quả”, bà Hương Lan chia sẻ.
Được Sở GD&ĐT “chọn mặt gửi vàng” làm báo cáo viên một chuyên đề, cô Nguyễn Thị Ngọc Anh - Phó Bí thư Đoàn Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar) cho rằng, qua đợt bồi dưỡng, tập huấn, giúp CBQL, giáo viên vững vàng tâm thế bước vào năm học 2023 - 2024.
“Ngoài tìm hiểu về phương pháp tổ chức kiểm tra, đánh giá theo năng lực, học viên cùng xây dựng, thảo luận, góp ý chỉnh sửa để hoàn thiện kế hoạch giáo dục hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp nhà trường theo Công văn 5512. Xây dựng kế hoạch kiểm tra đánh giá theo phẩm chất năng lực học sinh. Qua đó, giúp giáo viên tự tin chào đón năm học mới”, cô Ngọc Anh cho biết thêm.
Theo cô Nguyễn Đình Mỹ Giang - bộ môn Ngữ văn (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng), xây dựng kế hoạch kiểm tra định kỳ, thường xuyên rất quan trọng.
“Sau tập huấn, chúng tôi nắm chắc quy trình đánh giá với mục đích, kế hoạch, công cụ, phương pháp rõ ràng, phù hợp với từng nhóm học sinh. Vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức, kỹ năng vào giải quyết vấn đề thực tiễn vì sự tiến bộ của người học so với chính họ”, cô Giang chia sẻ.