Tiếp đó, phải khách quan trong việc nhìn nhận đánh giá mặt mạnh và thiếu sót của học sinh. Đây vừa là cái tâm của người thầy vừa là phương pháp sư phạm khoa học. Nhà giáo cần giúp học sinh biết cái lợi - hại của mỗi hành vi ứng xử để tự lựa chọn cách ứng xử phù hợp với chuẩn mực chung của xã hội.
Những khoảnh khắc vui vẻ, sôi động và tràn ngập tiếng cười của học sinh Trường Đinh Tiên Hoàng trong chuyến trải nghiệm ngày 25/10 tại Đồ Sơn, Hải Phòng. |
Các lực lượng giáo dục phải giúp học sinh biết cách hòa nhập tập thể, tôn trọng lợi ích tập thể cộng đồng. Sau cùng là nhà giáo dục phải biết gieo nhu cầu và tổ chức cho học sinh thực hiện các yêu cầu giáo dục bằng cách tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập, rèn luyện một cách chặt chẽ và nghiêm túc thông qua hình thức tự đánh giá.
Bản thân cô Hải Vân cùng tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường rất khâm phục tinh thần làm việc hăng say, sự cống hiến, gương mẫu của “người thuyền trưởng” của mình. Bộ quy tắc ứng xử văn hóa trong nhà trường mà thầy Tùng Lâm đưa ra nhằm tạo lập cho học sinh những thói quen ứng xử tốt, đúng chuẩn mực chung, chủ động quyết định sự phát triển của bản thân theo phong cách “5 tự” của học sinh Đinh Tiên Hoàng gồm: “Tự học sáng tạo, tự chủ, tự tin, tự trọng, tự chịu trách nhiệm”. Bên cạnh việc đào tạo kiến thức, nhà trường cũng chú trọng đến việc xây dựng các chương trình giáo dục “Giá trị sống”, “Kỹ năng sống” giúp học sinh hình thành những kỹ năng cần thiết như kỹ năng giao tiếp, đặt mục tiêu, ra quyết định…
“Không chỉ dạy chữ - dạy người cho học sinh, thầy Tùng Lâm đã tạo ra nhiều giá trị nhân văn trong phương pháp giáo dục và đã trao truyền lại cho các thế hệ giáo viên tinh thần đó”, cô Hải Vân cho biết. Cũng theo cô Hải Vân, học sinh của nhà trường rất đa dạng, thậm chí có nhiều em học lực kém hoặc quậy phá. Tuy nhiên, bằng cách làm linh hoạt, gần gũi với học trò, tập thể sư phạm nhà trường bao gồm cả giáo viên, giám thị, nhân viên tư vấn học đường luôn đồng hành cùng trò. Để rồi chính các em sau khi ra trường, ra đời làm các ngành nghề khác nhau vẫn nhớ về mái trường Đinh Tiên Hoàng. “Vào dịp 20/11, các em thường rủ nhau tới trường thăm lại thầy, cô giáo cũ. Như vậy, chúng tôi cũng vui mừng lắm rồi”, cô Hải Vân tâm sự.
Thuộc thế hệ học sinh “9X” của trường, Đào Việt Đức – cựu học sinh khóa 2006 - 2008 đến giờ vẫn không thể quên được những ký ức đẹp bên mái trường xưa. Đức nhớ lại, năm đó khi vào lớp 10, trong lớp cũng có một số bạn chưa ngoan. Cô chủ nhiệm Hải Vân dù rất nghiêm nhưng lại luôn tận tâm với học sinh. Cách dạy của cô không ép học trò phải học đều, ai có năng lực gì thì phát huy.
“Đặc biệt, cô không bắt học trò phải học nghề nọ, nghề kia. Nghề nào cũng được miễn sao các em cảm thấy thích. Lực học bình thường nên tôi đã sớm xác định học nghề liên quan đến dịch vụ ăn uống. Sau một thời gian học tại Trường Cao đẳng Du lịch, đến nay tôi đã tự mở cửa hàng tại Hà Nội. Nhiều khi nghĩ ra món mới, tôi thường mang đến cho cô Vân “thử” xem cảm nhận ra sao rồi mới bán cho khách hàng”, Đức vui vẻ nói thêm.
Dù ra trường đã 17 năm nhưng trong tâm trí của Nguyễn Thị Hà Minh, cựu học sinh khóa 2002 - 2005 vẫn không khỏi xúc động khi nói về nhà trường: “Tôi được dạy rất nhiều thứ ở đây, không chỉ là kiến thức, mà còn là kinh nghiệm sống được các thầy cô truyền lại bằng cả tấm lòng yêu thương. Tôi yêu mái trường này và luôn cảm ơn những người thầy đã dìu dắt”.
“Trong chuyến đi trải nghiệm ngày 25/10 học sinh các lớp ở cả hai cơ sở của trường đều đã tham gia tích cực. Các em hăng say tập luyện, tham gia thi kéo co, nhảy dân vũ, thi nữ sinh thanh lịch và có nhiều hoạt động khác thể hiện tính năng động, sáng tạo của mình. Đây là tín hiệu rất đáng mừng khi những điều mà thầy cô trao truyền, hướng dẫn, các em đều thực hiện được chứ không chỉ là những kiến thức trên sách vở. Chúng tôi mong, các em ngày càng tự lập, tự chủ, sáng tạo trong mọi hoạt động để phát huy được sở trường của mình…”. - Cô Nguyễn Lan Anh, Chuyên gia tư vấn tâm lý học đường, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng