Từ năm 2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ ĐH theo Thông tư 10. Đây cũng là hành lang pháp lý để các cơ sở giáo dục và đào tạo triển khai công tác đào tạo từ xa được bài bản, hiệu quả theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước về xây dựng xã hội học tập.
Qua thời gian, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cũng như những tác động của yếu tố kinh tế, xã hội khác, rất cần thiết phải cập nhật Quy chế. Do vậy, sự ra đời của một văn bản mới phù hợp hơn là hết sức cần thiết với cả cơ quan quản lý và cơ sở giáo dục và đào tạo.
Đưa quan điểm trên, ThS Đỗ Ngọc Anh đồng thời đánh giá dự thảo Quy chế lần này có nhiều điểm cập nhật. Trong đó đáng chú ý là việc quy định rõ ràng hơn, chặt chẽ hơn các yêu cầu tối thiểu để một cơ sở giáo dục có thể thực hiện đào tạo từ xa. Điều này là cần thiết để việc đào tạo từ xa được tổ chức bài bản, hiệu quả, chất lượng.
“Đối với Trường ĐH Mở Hà Nội, chúng tôi đã có nhiều năm triển khai đào tạo từ xa, điều này cũng nằm trong sứ mạng khi Thủ tướng Chính phủ ra quyết định thành lập Nhà trường năm 1993.
Việc người dân được tiếp cận với giáo dục ĐH một cách thuận tiện, xóa bỏ những cản trở về không gian và thời gian là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên, việc phát triển đào tạo từ xa hay bất kỳ loại hình đào tạo nào cũng cần hướng đến tính hiệu quả, đảm bảo chất lượng.
Việc một số quy định trong Quy chế này rõ ràng hơn sẽ giúp các cơ sở giáo dục tổ chức đào tạo từ xa có hiệu quả hơn. Đặc biệt, một số đơn vị chưa có đủ các điều kiện đảm bảo thì cần có thời gian để tích lũy kinh nghiệm, đầu tư công nghệ và đội ngũ phù hợp trước khi tiến hành đào tạo từ xa, tránh việc đào tạo tràn lan, ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả của loại hình đào tạo này.” - ThS Đỗ Ngọc Anh chia sẻ
Hiện nay, tại Trường ĐH Mở Hà Nội đang triển khai lấy ý kiến của các cán bộ quản lý, nhà khoa học, giảng viên về dự thảo. Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, nhà trường sẽ có văn bản góp ý cụ thể sau khi xem xét kỹ lưỡng những tác động có thể có khi Quy chế được ban hành.