Để giải quyết bài toán vốn cho nhà nước, theo ông, có thể đưa ra cơ chế, mời các ngân hàng thương mại cho vay, sau đó đấu thầu, đấu giá, rồi hoàn trả lại cho ngân hàng. “Các ngân hàng thương mại không thiếu vốn và nếu thấy dự án nào khả thi họ sẵn sàng tham gia", ông Sỹ cho hay.
Chuyên gia độc lập về đất đai Nguyễn Văn Đỉnh cho rằng, phân bổ chênh lệch địa tô một cách hài hoà không đồng nghĩa với việc dự án đó bắt buộc phải đấu giá đất.
“Cốt lõi là vấn đề giá đất đảm bảo nguyên tắc thị trường. Khi đó việc chuyển mục đích sử dụng đất trên cơ sở thoả thuận, nhà đầu tư ứng tiền. Nếu định giá đất sát giá thị trường sẽ không có chuyện thất thoát lãng phí”, ông Đỉnh nhấn mạnh và đề nghị không nhất thiết phải quy định dự án trên 10 ha bắt buộc phải đấu giá, đấu thầu.
Phản biện lại, ông Đinh Dũng Sỹ nói: “Nếu đã xác định được giá thị trường thì khỏi phải đấu thầu đấu giá, cái này đúng rồi. Nhưng đã xác định được giá thị trường đâu. Vì không xác định được giá thị trường nên mới phải đấu giá”, ông Sỹ nhấn mạnh.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Ngọc Bảo cho hay: “Đất đai là thuộc sở hữu toàn dân chứ không phải phục vụ cho một nhóm người nào đó. Đấu thầu, đấu giá là để đảm bảo điều tiết địa tô chênh lệch, vấn đề này đã được xem xét kỹ”.
Thứ trưởng TN&MT Lê Minh Ngân cũng cho rằng, trường hợp định giá đất sát giá thị trường thì không cần đấu giá đất. Nhưng trên thực tế, chúng ta có định giá đất đúng không? Thị trường có minh bạch đến mức lý tưởng như thế chưa?
“Những tài sản khác chúng ta còn đấu giá, trong khi cái khó nhất là sử dụng đất, lại không đấu giá nữa thì Luật Đấu giá tài sản còn ý nghĩa gì trong cuộc sống này nữa không?”, ông Ngân nhấn mạnh và cho rằng cần có sự hài hoà giữa các phương pháp.