Để không gián đoạn việc ôn tập của học sinh, giáo viên tại một số trường miền núi đã tự nguyện dạy thêm miễn phí cho học trò.
Trong khi nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn khi tổ chức ôn tập sau khi Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT được ban hành, thì tại một số trường miền núi thuộc huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên hoạt động ôn luyện miễn phí cho học sinh cuối cấp vẫn diễn ra thường xuyên.
Tại trường THCS Trung Hội, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên, năm học 2024 – 2025 trường có tổng số 295 học sinh, trong đó học sinh lớp 9 có 54 em. Ngay sau khi thông tư 29/2024/TT-BGDĐT có hiệu lực, nhà trường đã thực hiện nghiêm túc theo đúng tinh thần của Thông tư. Tuy nhiên, do đặc thù trường ở miền núi, để đảm bảo chất lượng cũng như giúp các em vững kiến thức nhiều giáo viên trong trường đã tình nguyện dạy ôn miễn phí cho học sinh.
Cô Lê Thị Kim Chung – Hiệu trưởng trường THCS Trung Hội, huyện Định Hoá cho biết: Dù điều kiện kinh tế còn khó khăn, giáo viên nhà trường vẫn sẵn sàng dành thời gian để hỗ trợ học trò từ giảng dạy trên lớp đến hướng dẫn ôn tập ngoài giờ không quá 2 tiết/môn/tuần. Các buổi học bổ sung không chỉ giúp học sinh nắm vững kiến thức mà còn giúp các em có thêm thời gian rèn luyện kỹ năng làm bài thi.
Trực tiếp tham gia giảng dạy học sinh lớp 9, cô Vi Thị Thạch Thảo – giáo viên môn Ngữ văn, trường THCS Trung Hội chia sẻ: Trong quá trình giảng dạy, chúng tôi thấy được rất rõ những khó khăn của học sinh miền núi, so với nhiều vùng thuận lợi khác. Điều này, cũng ảnh hưởng đến chất lượng học tập của các em. Chính vì vậy để giúp học sinh vững kiến thức, tôi cùng các giáo viên khác ngoài giờ lên lớp đã tranh thủ thời gian phụ đạo thêm cho các em.
Bà Nguyễn Thị Thu Hoài – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Định Hoá chia sẻ: Việc ban hành Thông tư 29/2024/TT-BGDĐT nhằm tạo ra một môi trường giáo dục minh bạch, công bằng, giảm áp lực học tập cho học sinh và đảm bảo quyền lợi cho giáo viên. Bên cạnh đó, Thông tư 29 còn tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về dạy thêm học thêm và giúp tư duy lại về hoạt động dạy và học, cũng như việc kiểm tra đánh giá học sinh…
Giống như các địa phương khác, thông tư có nhiều tác động đến ngành giáo dục huyện Định Hoá trên nhiều khía cạnh. Cụ thể: Các nhà trường có thêm thời gian tập trung vào các hoạt động giáo dục kĩ năng, trải nghiệm cho học sinh. Học sinh giảm áp lực trong việc học thêm, có thêm thời gian tự học, tìm hiểu, khám phá, tham gia các hoạt động trải nghiệm, sáng tạo.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hoài, đối với học sinh cuối cấp, để đảm bảo chất lượng cũng như trang bị đầy đủ năng lực, kiến thức cho các em, ngành giáo dục Định Hóa đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Tuyên truyền để giáo viên, phụ huynh, học sinh thấy được ý nghĩa của việc ban hành thông tư và trách nhiệm của bản thân trong việc thực hiện thông tư.
Ngoài ra, phòng Giáo dục và Đào tạo cũng triển khai, hướng dẫn các nhà trường điều chỉnh kế hoạch bồi dưỡng, ôn tập cho học sinh để giảm thiểu các tác động không mong muốn ảnh hưởng đến chất lượng thi tuyển sinh. Phối hợp với gia đình để quản lý học sinh trong việc tự học để đảm bảo yêu cầu về chất lượng.
Sắp xếp lại chuyên môn, tạo điều kiện cho giáo viên tham gia bồi dưỡng, phụ đạo và đặc biệt là giáo viên tham gia ôn tập cho học cuối cấp. Điều chỉnh lại quy chế khen thưởng nhằm khích lệ, động viên giáo viên tự nguyện tham gia công tác bồi dưỡng, phụ đạo và ôn tập cho học sinh cuối cấp.
Đồng thời, đề nghị các cơ sở giáo dục trên địa bàn tích cực ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong dạy học để hướng dẫn học sinh tự học. Trang bị kỹ năng làm bài thi cho học sinh thông qua việc tổ chức các đợt thi thử/ khảo sát đối với học sinh cuối cấp theo cấu trúc đề thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT do Sở GDĐT ban hành.
Trước đó, Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Nguyên cũng đã có hướng dẫn các trường thực hiện nghiêm túc Thông tư 29 và các văn bản liên quan.
Cụ thể, các cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động nâng cao chất lượng và quan tâm giảng dạy chính khoá; Điều chỉnh kế hoạch ôn tập, phát huy các nền tảng trực tuyến và phối hợp chặt chẽ với cha mẹ học sinh để phát huy khả năng tự học của học sinh.
Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cần tích cực động viên, khuyến khích giáo viên dạy bổ sung kiến thức, đáp ứng nguyện vọng của học sinh (nhất là học sinh có kết quả học tập ở mức chưa đạt) nhưng không thu tiền.
Tuyên dương và nhân rộng những tấm gương của tập thể, cá nhân dạy học và ôn luyện không thu tiền, hết lòng vì học sinh, đạt hiệu quả cao trong công tác giáo dục.