Giáo dục

Không dùng ngữ liệu SGK ra đề thi Ngữ văn: Những lưu ý trong dạy học (bài 1)

15/09/2024 08:14

Trong năm học này, đồng bộ cả 3 cấp học đều thực hiện đủ chương trình Ngữ văn mới ở tất cả các khối lớp.

Đối với môn Ngữ văn, việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa trong kiểm tra đánh giá và thi cử tiếp tục nhận được sự quan tâm của xã hội, nhất là đối với giáo viên và học sinh, nhằm định hướng trong hoạt động dạy - học cũng như đón đầu xu hướng thi mới để có kế hoạch ôn tập đáp ứng được yêu cầu của các kỳ thi.

Việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa thực tế đã được Bộ GD&ĐT từng bước thực hiện từ nhiều năm trước đây thông qua việc đổi mới của đề thi THPT Quốc gia (Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2020) với phần Đọc hiểu.

Cụ thể năm 2015 là đoạn thơ trích từ Hát về một hòn đảo của Trần Đăng Khoa; năm 2016 là đoạn thơ trích Tiếng Việt - Lưu Quang Vũ; năm 2018 là đoan trích thơ Đánh thức tiềm lực - Nguyễn Duy; năm 2019 là đoạn trích thơ Trước biển - Vũ Quần Phương; năm 2022 là đoạn trích thơ Con đường của những vì sao - Nguyễn Trọng Tạo; năm 2023 là đoạn trích thơ Đi qua cơn giông - Anh Ngọc, và bên cạnh đó là những đoạn trích văn nghị luận ngoài chương trình sách giáo khoa.

Duy chỉ có phầm Làm văn với câu Nghị luận Văn học từ năm 2024 về trước là lấy văn bản trong chương trình sách giáo khoa. Từ khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với các lớp 6 (năm 2021), lớp 10 (năm 2022) và các năm tiếp theo ở các khối lớp thì các bài kiểm tra trên lớp hay thi tập trung đã sử dụng ngữ liệu ngoài các bộ sách giáo khoa để kiểm tra đánh giá.

Như vậy, năm học này tiếp tục sử dụng ngữ liệu ngoài các bộ sách giáo khoa, nhất là trong kì thi tuyển sinh vào lớp 10 và Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.

Xu thế tất yếu

Chương trình GDPT 2018 đã kế thừa những thành tựu ở các giai đoạn trước và đồng thời khắc phục những nhược điểm, hạn chế nhằm đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục. Ngoài các mục tiêu chung, môn Ngữ văn cũng đặt ra những mục tiêu đặc thù nhằm phát huy tính tích cực của học sinh trong việc chiếm lĩnh tri thức cũng như tránh được tình trạng văn mẫu tràn lan trước đây.

Hoạt động dạy và học theo chương trình mới cũng tránh những kiến thức hàn lâm, kinh viện mà gắn với đời sống thực tế, sự thay đổi và phát triển của xã hội, nhất là giúp học sinh tạo lập được những văn bản cần thiết phục vụ cho cuộc sống của đa số học sinh, sau đó mới hướng tới những học sinh có năng lực văn chương, có khả năng thẩm bình văn học để các em có cơ hội phát triển theo con đường văn học sau này.

Như vậy thay vì cách dạy mang tính truyền thụ kiến thức, học sinh ghi nhớ thụ động sang việc dạy kỹ năng cho học sinh, người học đóng vai trò trung tâm và chủ động tiếp thu kỹ năng để vận dụng, việc chủ động chiếm lĩnh tri thức sẽ giúp học sinh khắc sâu và vận dụng sáng tạo đáp ứng yêu cầu của cuộc sống ngày hiện đại và hội nhập sâu rộng với bên ngoài.

Để lĩnh hội được những ngữ liệu ngoài các bộ sách giáo khoa, trước hết, học sinh cần nắm vững đặc điểm của các bài học, kiểu văn bản, thể loại cụ thể cũng như yêu cầu đọc hiểu với từng nội dung cụ thể.

Với phần đọc hiểu, học sinh cần nắm rõ đặc trưng các kiều văn bản gồm: Văn bản văn học (Thơ, truyện, kí, kịch); văn bản nghị luận; văn bản thông tin thông qua các mức độ câu hỏi: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng.

Phần viết bài nghị luận văn học cũng cần nắm được những yêu cầu cơ bản qua từng đơn vị kiến thức trong sách giáo khoa như phân tích, đánh giá nội dung và nghệ thuật của một bài thơ, đoạn thơ, một tác phẩm, một đoạn trích truyện, một tác phẩm, một đoạn trích kịch…

Với các bước cơ bản như phân tích, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, đoạn trích, khái quát chung về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm, đoạn trích, nêu tác động của văn bản đối với bản thân hoặc cảm nghĩ sau khi đọc văn bản đó… Học sinh cần nắm vững những yêu cầu của bài nghị luận văn học, các thao tác lập luận chủ yếu, các dạng bài cụ thể… để từ đó vận dụng đọc hiểu và viết bài văn nghị luận với ngữ liệu ngoài các bộ sách giáo khoa.

Khi nắm vững các kỹ năng làm bài, học sinh có thể hoàn toàn chủ động để vận dụng làm bài với ngữ liệu ngoài các bộ sách giáo khoa. Thực chất đó là quá trình tiếp nhận văn học, nhà nghiên cứu Phạm Thành Hưng cho rằng: “Tiếp nhận văn bản văn chương là một quá trình tạo nghĩa cho văn bản.

Bài thơ, cuốn sách như một điểm xuất phát, một kích thích ban đầu, thậm chí ‘tác phẩm chỉ thực sự tồn tại, ra đời khi nó được đọc’. Mỗi cá nhân độc giả có một ‘chân trời đón đợi’ riêng trước tác phẩm văn chương, để văn bản của tác giả được tái tạo, chế biến lại thành một thế giới nghệ thuật mới, của riêng mình”.

khong dung ngu lieu sach giao khoa ra de thi ngu van (1).jpeg
Cô Ngô Giang Thanh Thụy - Tổ trưởng chuyên môn tổ Văn, Trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo (ngoài cùng bên phải) và 7 học sinh nhà trường đoạt giải môn Ngữ văn Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023 - 2024. Ảnh minh họa: INT

Những thuận lợi và khó khăn

Về thuận lợi, giáo viên hoàn toàn chủ động trong việc chọn ngữ liệu để kiểm tra đánh giá, có điều kiện tìm hiểu số lượng tác phẩm phong phú trên nhiều nguồn, nhiều phương tiện, cho phép đặt những câu hỏi mở, khơi gợi sự sáng tạo trong ra đề, đánh giá kết quả học tập khách quan, phân hóa học sinh rõ hơn…

Học sinh phát huy tinh thần chủ động trong tiếp nhận tri thức, được bộc lộ những quan điểm, những suy nghĩ của bản thân, có tư duy phản biện, bộc lộ quan điểm trước một vấn đề, có điều kiện nâng cao văn hóa đọc…

Tuy nhiên, bên cạnh đó, người dạy và người học cũng gặp những khó khăn nhất định khi sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Giáo viên sẽ mất nhiều thời gian hơn trong việc lựa chọn, thẩm định, xây dựng ma trận, biên soạn đề trong khi vẫn phải đảm bảo kế hoạch bài dạy, nghiên cứu chương trình trong sách giáo khoa.

Nhiều giáo viên còn lúng túng trong việc tìm ngữ liệu, khả năng thẩm định hạn chế, thiếu phương tiện, tài liệu để tiếp cận ngữ liệu ngoài sách giáo khoa, một số giáo viên tự làm nặng thêm yêu cầu…

Vẫn còn bộ phận học sinh chưa tích cực, chủ động trong học tập, khả năng đọc hiểu còn hạn chế, lúng túng trước một ngữ liệu mới, không có khả năng vận dụng kỹ năng tiếp nhận ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Vì thế, giáo viên phải tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo mục tiêu của Chương trình GDPT 2018. Thay đổi từ cách tiếp cận truyền thống (học sinh học được gì?) sang cách tiếp cận hiện đại (học sinh làm được gì?).

Giáo viên cần kết hợp vận dụng nhiều phương pháp dạy học mới: Vấn đáp, làm việc nhóm, dạy học theo dự án, dạy học góc, phương pháp trò chơi… cùng với đó là ứng dụng công nghệ thông tin và các phương tiện dạy học khác nhằm phục vụ hiệu quả cho quá trình dạy học.

Tích cực xây dựng kế hoạch bài dạy, ma trận và biên soạn đề kiểm tra qua ngữ liệu ngoài sách giáo khoa làm tư liệu dạy học, ôn tập cho học sinh. Bản thân mỗi giáo viên cần chủ động xây dựng kho tư liệu cho mình phù hợp với yêu cầu của chương trình, phù hợp với đối tượng học sinh từng khối lớp để hoàn toàn chủ động trong việc chọn ngữ liệu.

Giáo viên trong nhóm chuyên môn có thể trao đổi, giúp đỡ, góp ý, phản biện để có những ngữ liệu chuẩn xác nhất phục vụ dạy học. Các nhóm chuyên môn, nhà trường cần thường xuyên tổ chức trao đổi chuyên môn, dạy học, dự giờ theo hướng nghiên cứu bài học để đúc kết những kinh nghiệm hữu ích trong việc giảng dạy theo chương trình mới nhất là những ngữ liệu ngoài sách giáo khoa.

Việc tổ chức các chuyên đề chuyên môn cũng cần tránh hình thức mà cần tập trung chú trọng xây dựng Kế hoạch bài dạy, phương pháp dạy học nhằm phát huy tính chủ động của giáo viên, tính tích cực của học sinh trong giờ học cũng như vận dụng kiến thức đó vào cuộc sống.

Việc đổi mới kiểm tra, đánh giá cũng cần được giáo viên quan tâm đúng mức, bám sát những mục tiêu, yêu cầu của chương trình để xây dựng ma trận và biên soạn đề kiểm tra qua ngữ liệu ngoài sách giáo khoa. Cần thay đổi từ đánh giá nội dung sang đánh giá năng lực, tránh tình trạng học thuộc và sao chép tài liệu có sẵn.

Cần đa dạng về hình thức kiểm tra đánh giá, có hệ thống bảng kiểm, tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá khoa học, tránh “đánh giá nhầm” học sinh. Tuy nhiên, giáo viên cũng cần lưu ý không gây hoang mang cho người học, không làm nặng thêm yêu cầu của chương trình, không đặt câu hỏi mang tính đánh đố người học.

Tiêu chí lựa chọn ngữ liệu ngoài sách giáo khoa cần phù hợp với nội dung chương trình học, cần quan tâm các yếu tố tâm lí lứa tuổi, tiếp nhận, thời gian, độ dài văn bản... Ngữ liệu ngoài sách giáo khoa được lựa chọn phải có nguồn trích, xuất xứ rõ ràng, tránh lấy các ngữ liệu còn nhiều tranh cãi trái chiều, giáo viên cần nắm vững sự vận động của văn học qua các thời kỳ, cần có kiến thức phê bình văn học để có cái nhìn toàn diện.

Việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa trong kiểm tra, thi cử đã có lộ trình qua những năm học gần đây và những chuyển biến tích cực trong học tập môn Ngữ văn, nhất là tránh văn mẫu, học vẹt.

Tuy nhiên trong quá trình thực hiện từ Bộ đến các Sở GD&ĐT, các nhà trường cần có những đợt tập huấn, hội thảo trao đổi kinh nghiệm để việc sử dụng ngữ liệu ngoài sách giáo khoa có hiệu quả cao.

PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, chủ biên chương trình Ngữ văn mới cho rằng: “Mục đích của việc đổi mới viết đoạn, bài nghị luận văn học với ngữ liệu mới là chống kiểu dạy và học theo hướng thuộc lòng và chép văn mẫu; phát huy được những suy nghĩ riêng của mỗi học sinh, khuyến khích các em tự làm ra bài văn của chính mình, thể hiện suy nghĩ một cách trung thực... do đó đánh giá được năng lực viết công bằng, khách quan”.

Với phương châm thực hiện một chương trình nhiều bộ sách, trong những năm qua ở các khối lớp, đội ngũ giáo viên và học sinh đã tiếp cận và nắm bắt chương trình Ngữ văn mới một cách trôi chảy, tất nhiên cũng còn những vấn đề cần rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.

Với đặc thù môn học, khi xây dựng chương trình Ngữ văn 2018 các chuyên gia đã chỉ rõ mục tiêu của môn học là: Môn Ngữ văn giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, có đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn; có tình yêu đối với tiếng Việt và văn học; có ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam; có tinh thần tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và khả năng hội nhập quốc tế;

Đặc biệt, môn Ngữ văn giúp học sinh phát triển năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học: Rèn luyện các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe; có hệ thống kiến thức phổ thông nền tảng về tiếng Việt và văn học, phát triển tư duy hình tượng và tư duy logic, góp phần hình thành học vấn căn bản của một người có văn hóa; biết tạo lập các văn bản thông dụng; biết tiếp nhận, đánh giá các văn bản văn học nói riêng, các sản phẩm giao tiếp và các giá trị thẩm mĩ nói chung trong cuộc sống.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không dùng ngữ liệu SGK ra đề thi Ngữ văn: Những lưu ý trong dạy học (bài 1)