Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, điểm hẹn của thầy và trò

18/05/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngoài công tác dạy học, thời gian qua, các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học tại TPHCM đều quan tâm xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Tại đây, những câu chuyện cuộc đời của Bác Hồ được kể lại một cách logic với hình ảnh sống động. Đó là câu chuyện từ thuở thiếu niên, là thời điểm Bác rời Bến Nhà Rồng lên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville sang Pháp, những thành quả cách mạng cho đến khi Bác qua đời... Phía dưới những hình ảnh này, nhà trường bố trí khu vực tự đọc, tự học để học sinh có thể lấy các cuốn sách về Bác để tìm hiểu.

Chia sẻ thông tin, thầy Phó Hiệu trưởng Phạm Văn Cường đồng thời cho hay, việc dạy học sinh về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh được trường triển khai từ lâu. Tuy nhiên, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã tác động tích cực đến suy nghĩ, tư tưởng và hành động của giáo viên, học sinh và cả phụ huynh.

Đây không chỉ là hình ảnh trực quan, mà là nơi để học sinh, giáo viên tìm hiểu, nghiên cứu, học tập tư tưởng của Bác qua những câu nói, mẩu chuyện… Điều đó tác động tới tình cảm và trái tim của mỗi người, việc học tập và làm theo tấm gương của Bác thông qua từng tiết học, môn học một cách tự nhiên và tự giác.

“Không gian đã giúp cho học sinh hiểu thêm về lịch sử dân tộc, vận dụng được tư tưởng, phong cách của Bác trong cuộc sống hàng ngày. Các tổ bộ môn cũng lựa chọn một số tiết học, bài học liên quan để lồng ghép, đưa học sinh tới Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, qua đó tham quan, tìm hiểu, học tập, rút ra các giá trị riêng cho bản thân”, thầy Cường cho biết.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, điểm hẹn của thầy và trò ảnh 2

Một góc Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại Trường THPT Đào Sơn Tây.

Giáo dục đạo đức lối sống

Theo chia sẻ của cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, những tư liệu và hiện vật tại phòng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh và nhiều tổ chức, cá nhân đóng góp dưới sự hướng dẫn, chọn lọc của Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức để có sự chính xác về tư liệu lịch sử. Ngoài ra, Đoàn trường còn tổ chức các cuộc thi viết cảm nhận, vẽ tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và được đông đảo học sinh hưởng ứng.

“Những tác phẩm này được trưng bày trong không gian học tập, làm theo đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh... Qua đó bổ sung thêm tư liệu, thực hiện tốt hơn công tác giáo dục đạo đức, lối sống; bồi dưỡng thêm cho các em về lòng yêu nước, phát triển thành đoàn viên tốt, sống tốt, hành động tốt, tránh xa tệ nạn trong xã hội”, cô Hảo cho hay.

“Khi hiểu rõ hơn về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh; thấm nhuần hơn những giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người thì bản thân luôn tự biết noi gương, cố gắng rèn luyện phấn đấu, từ đó sẽ tạo ra những chuyển biến rõ nét về mọi mặt”, thầy Yên chia sẻ.

Tương tự, thầy Phạm Thanh Yên, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa nhìn nhận, việc triển khai Không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn liền với nhiệm vụ chuyên môn của nhà trường. Điều này không chỉ tạo ra không gian cho giáo viên, học sinh tham quan, tìm hiểu mà còn tạo điều kiện để thầy cô sáng tạo hơn trong công việc của mình.

Theo cô Phan Thị Châu, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã giúp học sinh hiểu hơn về thành phố mà các em đang sống, hiểu hơn những câu chuyện về Bác gắn với lịch sử đất nước, TPHCM. Trong quá trình tìm hiểu, học sinh tiếp cận những đức tính tốt đẹp, tư tưởng nhân văn từ những câu chuyện về Bác. Việc “học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” nhờ vậy trở nên gần gũi, dễ thẩm thấu hơn đối với các em.

“Đặc biệt, mô hình cũng góp phần xây dựng văn hóa đọc trong học sinh từ lứa tuổi tiểu học. Không gian thân thiện cùng hoạt động phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi sẽ tạo sức hút kéo các em đến với thư viện ngày càng đông, thường xuyên hơn; đưa các em quay về với văn hóa đọc, một nếp tốt mà đôi lúc bị lãng quên giữa nhịp sống hối hả thường nhật.

Những câu chuyện về Bác Hồ là bài học đạo đức bổ ích, dễ học, dễ làm theo. Những câu chuyện chứa đựng tư tưởng, đạo đức của Người sẽ là bài học đầy giá trị, góp phần định hình chuẩn mực, hành vi đạo đức đúng đắn cho học sinh”, cô Châu nhấn mạnh.

Học tập tại Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của trường, Trang Thị Ngọc Ánh, học sinh lớp 12, Trường THPT Đào Sơn Tây và các bạn đều hứng thú. Theo Ngọc Ánh, môn Lịch sử chưa được nhiều học sinh yêu thích bởi quá nhiều chữ và khô khan. Tuy nhiên, với mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, học sinh không chỉ dễ dàng cảm nhận tư tưởng, đạo đức của Bác Hồ, mà cũng hứng thú, say mê tìm hiểu về lịch sử.

Lê Quỳnh Bảo Trân, Bí thư Đoàn Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa cho hay: “Trước đây nghe nói đến tư tưởng Hồ Chí Minh thì nghĩ đó là những điều gì đó cao siêu mà em khó có thể tiếp cận. Nhưng khi trực tiếp tìm hiểu những mẩu chuyện, bản tin ngắn hay bài thơ của Bác được sắp xếp khoa học ngay trong thư viện trường, em thấy thật dễ hiểu, gần gũi.

Đặc biệt, em tâm đắc về cách học ngoại ngữ của Bác. Trong hành trình đi tìm đường cứu nước, khi làm việc trên con tàu, mỗi ngày Bác học thêm một từ mới, Bác ghi lên tay hay mảnh giấy để vừa làm vừa học. Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy mà Bác vẫn học được thì chúng em phải cố gắng hơn nữa”.

Các cơ sở giáo dục xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là giải pháp đặc thù của ngành GD-ĐT TPHCM nhằm thực hiện Chỉ thị 08 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường triển khai công tác xây dựng văn hóa học đường. Qua đó hình thành môi trường cũng như tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng. Đặc biệt, góp phần hình thành các phẩm chất yêu nước nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm cho học sinh theo Chương trình GDPT 2018. - Ông Trịnh Duy Trọng

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-diem-hen-cua-thay-va-tro-post638437.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-diem-hen-cua-thay-va-tro-post638437.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, điểm hẹn của thầy và trò