Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học khơi gợi tự hào dân tộc

Hồ Phúc | 08/11/2022, 16:50
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nhiều trường phổ thông tại TPHCM đã xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh để dạy học và rèn luyện lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho học sinh.

Đây là một trong những nét mới trong triển khai hoạt động giảng dạy, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục tại các đơn vị.

Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ

Tại Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức), Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được đưa vào hoạt động từ ngày 19/5/2022, nhân kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Địa điểm không gian được bố trí trang trọng tại một phòng học rộng chừng 70m2 ở tầng 2 của trường, cạnh thư viện. Bên ngoài phòng có gắn tấm biển “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, được trang trí bằng dòng chữ “Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng sản Việt Nam” cùng những bông hoa sen tươi thắm.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh của Trường THPT Đào Sơn Tây trưng bày các tư liệu về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, các tác phẩm văn học, các bài báo, tờ tin của Chủ tịch Hồ Chí Minh dưới hình thức: Tranh, ảnh, bản đồ, tư liệu, sách báo, hiện vật. 5 chủ điểm trưng bày gồm: Quê hương, Gia đình và thời thơ ấu của Bác Hồ; Hành trình đi tìm đường cứu nước và hoạt động yêu nước của Bác; Những dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Thực hiện Chỉ thị số 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại Trường THPT Đào Sơn Tây và “Tủ sách Bác Hồ”.

Theo chia sẻ của cô Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, nhà trường sắp xếp, bài trí Không gian văn hóa Hồ Chí Minh như Bảo tàng Hồ Chí Minh thu nhỏ. Các tư liệu và hiện vật tại phòng được cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh của trường cùng với sự đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân dưới sự hướng dẫn chọn lọc của Ban Tuyên giáo Thành ủy Thủ Đức để có sự chính xác về tư liệu lịch sử.

Đặc biệt, mỗi không gian chủ điểm được tổng hợp và thực hiện mã hóa QR code để người tham quan có thể tự tra cứu nội dung, nghe thuyết minh tự động, xem hình ảnh, phim tư liệu về Chủ tịch Hồ Chí Minh... Ngoài ra trong không gian còn bố trí bàn ghế cho học sinh như một lớp học với bục giảng, hệ thống loa, radio.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Phạm Văn Hai (Bình Chánh), Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được thiết lập tại phòng hội đồng nhà trường. Tại đây, giáo viên đã trưng bày nhiều đầu sách viết về Bác Hồ ở nhiều thể loại do nhà trường mua và quyên góp từ học sinh, phụ huynh, giáo viên. Các bộ sách này được chọn lọc kỹ, phù hợp với lứa tuổi học sinh và đội ngũ giáo viên. Ngoài ra, không gian còn có các đầu sách ở nhiều phương diện về TPHCM, gắn liền với sự phát triển của thành phố trong suốt chiều dài lịch sử.

Với Trường Tiểu học Phú Thọ (Quận 11), tháng 6 vừa qua, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh được nhà trường xây dựng với nhiều hình ảnh, cuốn sách hay về Bác, tái hiện lại một số địa danh lịch sử gắn với Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời như hang Pác Bó, nhà sàn... Đặc biệt, bên cạnh sách giấy, trường còn xây dựng tủ sách Bác Hồ trực tuyến với nhiều đầu sách được lựa chọn phù hợp với độ tuổi và đối tượng học sinh và thầy, cô giáo.

Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học khơi gợi tự hào dân tộc ảnh 1

Học sinh Trường Tiểu học Phạm Văn Hai đọc sách về Bác Hồ.

Điểm đến lý tưởng cho thầy và trò

Thầy Phạm Trung Hữu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phạm Văn Hai, cho hay, Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường là nơi tổ chức các hoạt động giáo dục ý nghĩa xuyên suốt năm học như: Sinh hoạt chủ điểm của Chi bộ, Chi đoàn, Liên đội; tổ chức các hội thi tìm hiểu về chân dung, cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại của Bác; tuyên dương gương điển hình giáo viên, học sinh trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh...

Đặc biệt, tại đây, nhiều đầu sách còn giới thiệu đến học sinh các nét văn hóa, kiến trúc, ẩm thực độc đáo của TPHCM. Vào mỗi giờ ra chơi và các giờ đọc sách, học sinh từng lớp sẽ đến đọc sách, cùng tìm hiểu những câu chuyện về Bác…

“Việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh xuất phát từ mong muốn đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thành việc tự giác, thường xuyên của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường. Với học sinh tiểu học, điều gì mới lạ sẽ luôn thu hút các em.

Không phải đi đâu xa, ngay tại nhà trường, các em cũng có thể tìm hiểu về các nét đặc trưng của thành phố, lắng nghe những câu chuyện lịch sử, những mẩu chuyện về Bác Hồ. Không gian này cũng là cách nhà trường giáo dục học sinh việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” một cách sinh động nhất”, thầy Hữu cho biết.

Cô Hoàng Thị Hảo cũng cho hay, thời gian qua Đoàn trường đã tổ chức các cuộc thi viết cảm nhận, vẽ tranh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và được đông đảo học sinh hưởng ứng. Những tác phẩm này sau đó được trưng bày trong không gian học tập, làm theo đạo đức tư tưởng Hồ Chí Minh. Qua đó bổ sung phong phú thêm tư liệu, thực hiện tốt hơn nữa công tác giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng thêm cho các em về lòng yêu nước, phát triển thành những đoàn viên tốt, sống tốt, hành động tốt, tránh xa những tệ nạn trong xã hội.

“Ngoài việc tổ chức thực hiện tại đơn vị, nhà trường cũng đã tiếp đón hơn 500 lượt thành viên đến từ các Chi đảng bộ phường, các Chi bộ trường học trong địa bàn thành phố Thủ Đức đến tham quan, tìm hiểu. Cùng với đó trường cũng đã hỗ trợ các đơn vị thực hiện tư liệu xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong từng đơn vị. Đặc biệt tất cả học sinh của trường đều được học các tiết giáo dục địa phương, lịch sử, quốc phòng an ninh và những buổi sinh hoạt gắn với tư tưởng Hồ Chí Minh tại không gian này”, cô Hảo cho biết.

Còn theo chia sẻ của cô Nguyễn Thị Kim Hương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Thọ, mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh giúp học sinh hiểu hơn về thành phố mà các em đang sống cũng như những câu chuyện về Bác Hồ gắn với lịch sử đất nước, thành phố. Việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhờ vậy cũng trở nên gần gũi, dễ thẩm thấu hơn đối với học sinh.

“Hoạt động này cũng nhằm xây dựng văn hóa đọc trong học sinh từ lứa tuổi tiểu học. Chính không gian thân thiện cùng những hoạt động phù hợp tâm sinh lý lứa tuổi sẽ tạo sức hút kéo các em đến với thư viện ngày càng đông hơn, thường xuyên hơn, đưa các em quay về với văn hóa đọc - một nếp tốt mà đôi lúc bị lãng quên giữa nhịp sống hối hả thường nhật”, cô Hương cho biết.

Em Võ Ngọc Minh Khánh, học sinh lớp 12 Trường THPT Đào Sơn Tây, chia sẻ: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trường là nơi để em và các bạn nâng cao thêm kiến thức về lịch sử, về Bác. Qua đó, chúng em thêm cố gắng học tập, làm theo lời Bác dạy để trở thành những người con ngoan, trò giỏi sau này trở thành những người công dân tốt, góp sức xây dựng thành phố, đất nước…”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học khơi gợi tự hào dân tộc