Chia sẻ quan điểm về văn hóa học đường, GS Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP Hồ Chí Minh - cho biết: Đây là tập hợp những quan hệ khăng khít, trong đó mối quan hệ giữa thầy với trò, nhà trường với người học là cấu trúc chính. Những thành phần này vừa kế thừa, kiến tạo giá trị, kinh nghiệm lịch sử của xã hội loài người đã tích lũy trong quá trình xây dựng hệ thống giáo dục và hình thành nhân cách của người học. Vì vậy, các giá trị truyền thống, lịch sử, văn hóa cần được các trường đại học khéo léo đưa vào không gian văn hóa cụ thể, để tạo sức hấp dẫn cho sinh viên, cũng như thông qua hoạt động, giá trị văn hóa thẩm thấu, len lỏi và định hình nơi thế hệ trẻ.
Xây dựng thế hệ giàu truyền thống dân tộc
Nhiều người quan niệm không gian văn hóa học đường được hình thành và thiết lập ở ngay trong lớp học. Nhưng thực tế lại cho thấy, thư viện, CLB, giờ học quân sự, thể dục thể thao hoặc thậm chí những giờ nghỉ giải lao cũng cần thiết phải xây dựng một trật tự văn hóa học đường.
Nhìn nhận về mục tiêu chung của việc xây dựng không gian văn hóa trong các nhà trường, đặc biệt là xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, theo ông Nguyễn Thọ Truyền - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh, mục tiêu của việc thúc đẩy các không gian văn hóa trong nhà trường, giảng đường đại học là tạo điều kiện cho người dân, nhất là thanh, thiếu nhi phát triển toàn diện về nhân cách, đạo đức, tuân thủ pháp luật, sống có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội, góp phần hình thành bản sắc riêng của TP Hồ Chí Minh.
“Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa… nhằm phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo mỗi người vì mọi người, đẩy mạnh công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, phòng, chống bạo lực trong gia đình, nhà trường, xã hội. Việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về lâu về dài sẽ mang lại những giá trị tích cực cho thế hệ trẻ”, ông Truyền nhấn mạnh.
Còn theo ông Nguyễn Thành Trung - Bí thư Đoàn Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, sự hình thành văn hóa của học sinh, sinh viên chịu sự giáo dục rất lớn từ gia đình – nhà trường – xã hội và luôn luôn cần sự hỗ trợ, kết hợp của 3 nhân tố này.
Thực tế, quan niệm sống theo hướng Tây hóa của một bộ phận giới trẻ đã làm thay đổi giá trị gia đình (lối sống tự do, quan hệ giữa các thành viên trong gia đình ngày càng lỏng lẻo…) cùng tác động trực tiếp từ môi trường xã hội (sự vô cảm, quá coi trọng giá trị vật chất, ưa hưởng thụ…) đã ảnh hưởng tiêu cực đến thế hệ trẻ khiến những ứng xử văn hóa của một bộ phận học sinh, sinh viên ngày càng xuống cấp.
“Điều này khẳng định việc xây dựng các không gian văn hóa trong nhà trường, giảng đường đại học mang tính cấp thiết hơn lúc nào hết. Bởi thực tế, việc hình thành “phông văn hóa” của học sinh, sinh viên, người thầy đóng vai trò là trung tâm, quan trọng nhất. Nhiều học sinh có ấn tượng xấu với hành vi ứng xử tiêu cực của thầy, cô giáo như mắng, trừng phạt khiến các em đau khổ về thể xác, tinh thần… Nhưng với những lối ứng xử và hành xử văn minh, giàu tính văn hóa của thầy, cô giáo với sinh viên, giá trị đọng lại không hề nhỏ”.