Từ đó, giáo dục cho học sinh nhận thức sâu sắc về văn hóa Huế nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung, tránh xa các biểu hiện tiêu cực khác, gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa học đường…
Phối hợp “3 nhà”
Chú trọng công tác phối hợp giữa nhà trường - gia đình - xã hội là một trong các giải pháp được ông Thái Văn Thành, Giám đốc sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An, nhấn mạnh nhằm thực hiện hiệu quả giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, xây dựng văn hóa học đường.
Theo đó, cần triển khai phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong xây dựng kế hoạch, chủ trương, biện pháp giáo dục học sinh; xây dựng mối quan hệ hợp tác, chia sẻ thông tin, kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh; trong xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, bạo lực học đường, tệ nạn và xâm hại đối với học sinh.
Ngoài ra, phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục học sinh chưa tích cực, học sinh có khuyết diểm, gặp khó khăn về tâm lý, học sinh khuyết tật, học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.
Phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc tham gia vào quá trình khảo sát, theo dõi, đánh giá quá trình học tập và rèn luyện của học sinh; chia sẻ các biện pháp thúc đẩy sự tiến bộ của các em, tham gia vào các hoạt động đánh giá học sinh tại nhà trường và gia đình.
Phải xác định rõ vai trò, trách nhiệm của từng thành tố (gia đình, nhà trường, cộng đồng và xã hội), xây dựng các chỉ báo cụ thể, nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa của gia đình, tăng cường trách nhiệm của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể, các hội ở địa phương.
Bên cạnh đó, Giám đốc sở GD&ĐT Nghệ An cũng cho rằng, cần quan tâm, xây dựng chính sách về công tác xây dựng văn hóa học đường, nhất là việc định biên cho vị trí thực hiện công tác này. Hiện nguồn nhân lực cho việc giáo dục văn hóa học đường còn thiếu, chưa có định biên cho công tác này mà chủ yếu kiêm nhiệm từ nhiều nhiệm vụ, hoạt động giáo dục khác nhau.
Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên cần được trang bị các kiến thức về việc xây dựng văn hóa học đường. Chú trọng đổi mới nội dung xây dựng văn hóa học đường theo hướng mở, tùy theo nhu cầu thực tiễn giáo dục của mỗi giai đoạn, mỗi địa phương để có thể vận dụng các nội dung phù hợp, được chủ động trong tổ chức thực hiện. Khi triển khai nội dung cần phát huy được tính tích cực, sáng tạo của học sinh, sinh viên với các hoạt động xã hội một cách phù hợp, có hiệu quả…